Trao đổi với VietNamNet sáng 14/10, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) lý giải việc rút quy định về chứng chỉ hành nghề khỏi dự thảo Luật Nhà giáo.
“Đây là một nội dung mới, cần thận trọng nên ban soạn thảo đã không đưa vào dự thảo luật ở thời điểm này và sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức thí điểm. Có thể nội dung này sẽ được đưa trở lại ở chu kỳ sửa đổi, bổ sung luật”.
Trước đó, Dự thảo Luật Nhà giáo công bố lần đầu tiên vào tháng 5/2024 quy định về chứng chỉ hành nghề nhà giáo tại các Điều 15, 16 và 17. Theo đó, chứng chỉ này có giá trị sử dụng toàn quốc và ở các quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam.
Chứng chỉ hành nghề được cấp cho nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, tư thục đạt chuẩn nhà giáo; nhà giáo nước ngoài nếu đáp ứng điều kiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và có nhu cầu.
Khi đó, Bộ GD-ĐT cho hay, chứng chỉ hành nghề là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý cấp cho người đạt chuẩn nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác.
Nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề: Những tranh luận chưa dứt
Thiếu thực tế, chứng chỉ hành nghề dễ thành “giấy phép con” khổ nhà giáo
– Về mặt lý thuyết, chứng chỉ hành nghề giáo viên là cần thiết, nhưng nếu không có giá trị thực tế, đây sẽ là thứ làm khổ giáo viên và vẽ thêm vùng tiêu cực của giáo dục.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/rut-quy-dinh-chung-chi-hanh-nghe-khoi-du-thao-luat-nha-giao-2331672.html