So với mức độ làm phát và giá nhà ở thương mại, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân nhìn nhận chưa bao giờ giá nhà ở xã hội trên thực tế lại rẻ như bây giờ.
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân: Chưa bao giờ giá nhà ở xã hội rẻ như bây giờ
So với mức độ làm phát và giá nhà ở thương mại, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân nhìn nhận chưa bao giờ giá nhà ở xã hội trên thực tế lại rẻ như bây giờ.
Ba yếu tố giúp khách hàng mua được nhà ở xã hội
Ngày 17/11, Tập đoàn Hoàng Quân tổ chức sự kiện “Vì 1 Triệu Mái Ấm Gia Đình Việt” và ra mắt Công ty Hoàng Quân Land.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân cho biết, Hoàng Quân cũng giống nhiều đơn vị phát triển nhà ở xã hội khác, sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, đa dạng hóa sản phẩm như làm khu công nghiệp, nhà ở cao cấp, nhà ở thương mại và nhà ở vừa túi tiền nhưng hơn 50% sẽ tập trung phát triển nhà ở xã hội.
Để khách hàng có thể mua được nhà ở xã hội, ông Tuấn chỉ ra 3 yếu tố chính. Thứ nhất, về cơ chế chính sách của Nhà nước hiện đa đang rất tốt; thứ hai về nguồn vốn đã có gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và lãi suất vay ngân hàng cũng đang ở mức thấp; và yếu tố thứ ba là về khách hàng cần phải tiết kiệm, nỗ lực làm việc nhiều hơn, nếu làm được việc này, người thuộc đối tượng sẽ mua và sở hữu nhà ở xã hội không còn quá khó khăn.
“Nhìn chung, so với mức độ làm phát, so với các dự án thương mại thì chưa bao giờ giá nhà ở xã hội trên thực tế lại rẻ như bây giờ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân phát biểu tại sự kiện. |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) nhìn nhận, chưa bao giờ nhà ở xã hội được đề cập một cách thường xuyên và được sự quan tâm rất lớn của xã hội như hiện nay.
“Chính sách về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở 2023 là chính sách tốt nhất mà chúng ta đã xây dựng cho đến thời điểm hiện nay”, ông nói, đồng thời cho biết với những kết luận của Bộ Chính trị sau đó được Chính phủ ban hành thành Chương trình tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội. Tập đoàn Hoàng Quân đăng ký 50.000 căn nhà ở xã hội. Chính sách và hành động thực tế đã mang tới niềm tin rằng người thu nhập thấp sẽ sớm tiếp cận được nhà ở xã hội thông qua chương trình mục tiêu.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay, trên cả nước, chương trình mới triển khai thực hiện được 10%, trong đó tại TP.HCM chưa đến 2%. Như vậy, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa, cùng với đó là quyết tâm nữa là xóa nhà tranh tre, nhà tạm, nhà dột nát.
“Đây là những chương trình rất nhân văn, chạm đến trái tim người Việt, chạm đến những điều chúng ta mơ ước. Mơ ước là an cư lập nghiệp. Mơ ước tiếp cận nhà ở theo đúng Hiến pháp đặt ra. Song khi triển khai thực hiện trong thực tế vẫn còn có nhiều băn khoăn như về lãi suất quy định cho người mua nhà ở xã hội hiện cao hơn lãi suất thương mại thông thường mà các ngành thương mại đang cho vay ngắn hạn. Chúng tôi cũng mong muốn ngân hàng chính sách xã hội có thể xem xét lại để khách hàng mua nhà có thể tiếp cận chính sách này tốt hơn, hiệu quả hơn”, ông Châu đề nghị.
Dưới góc nhìn của người mua nhà, Thạc sĩ Trần Hoàng Nam, Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM đánh giá theo quy định mới thì ở Bình Dương ông vẫn mua được nhà ở xã hội tại TP.HCM, lãi suất có xu hướng giảm cũng là thuận lợi nhất định.
Vấn đề quan trọng hiện nay đó là chọn vị trí xây nhà ở xã hội thế nào cho hợp lý với nhu cầu người mua. Bởi mua một nhà ở không phải chỉ là mua không gian bên trong mà họ mua cả hệ sinh thái để ổn định cuộc sống. Nếu những dự án nhà ở xã hội ở những vị trí không thuận lợi, kết nối xã giao không tốt, hạ tầng xã hội giáo dục không tốt…thì không hút được người mua.
Chính sách đã mở, nhưng vẫn còn vướng
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết Việt Nam hiện nay có 2 dòng chảy chủ yếu về chính sách phát triển nhà ở.
Thứ nhất là nhà ở thương mại thực hiện theo các cơ chế thương mại dành cho các đối tượng có thể tự mua, tự bán, tự lo chỗ ở cho mình.
Các chuyên gia đánh giá pháp luật đến nay đã giải quyết được rất nhiều vấn đề khúc mắc trước đây liên quan đến đầu tư và thuê mua nhà ở xã hội.
|
Dòng chảy thứ 2 về mặt pháp luật là chính sách về nhà ở xã hội dành cho những đối tượng thu nhập thấp, khó có thể lo được chỗ ở cho bản thân mà cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Hỗ trợ ở đây gồm có hỗ trợ gián tiếp qua chủ đầu tư là các doanh nghiệp thực hiện đầu tư các dự án nhà ở xã hội và hỗ trợ thứ hai là trực tiếp cho những đối tượng là người mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội.
Những chính sách này đã triển khai thực hiện và xuất hiện trong Luật Nhà ở năm 2005. Tuy nhiên, đã được nâng lên mức độ cao hơn tại Nghị quyết số 18 năm 2009 của Chính phủ, và sau đó là 3 quyết định số 65, 66 và 67 về các chính sách để đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị, đầu tư nhà ở cho công nhân khu công nghiệp và đầu tư ký túc xá cho sinh viên các trường đại học và cao đẳng.
Đến năm 2015, có chính sách nhà ở xã hội toàn diện hơn trong Luật Nhà ở năm 2015, và đến nay đã sửa đổi, bổ sung hơn trong Luật Nhà ở 2023.
Điểm đáng chú ý là Luật trước đây có quy định các đối tượng về nhà ở xã hội tại khu vực đô thị chỉ là cư dân ở các khu vực đô thị. Nhưng trên thực tế, rất nhiều cư dân ở vùng ven, mặc dù vẫn thuộc khu vực nông thôn nhưng thực chất lại sinh sống, làm việc ở trong khu vực đô thị.
Do đó, trong Luật Nhà ở 2023 đã có quy định cho phép địa phương, ngoài các đối tượng luật quy định thì có thể quy định thêm các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sống tại khu vực nông thôn có thể được thụ hưởng các chính sách nhà ở xã hội tại khu vực đô thị.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, trước đây phát triển nhà ở xã hội có nhiều khó khăn vướng mắc bởi có những điểm nghẽn rất lớn, tập trung vào 5 yếu tố là quỹ đất, thủ tục, cơ chế, vốn và đầu ra thị trường. Trong đó, 4 nhóm thủ tục, cơ chế, vốn và kể cả đầu ra thị trường thì các quy định của pháp luật gần như đã cởi trói rất mạnh.
Vốn cũng là một trong những vấn đề thì cũng đã thấy Chính phủ làm quyết liệt, đặc biệt Ngân hàng nhà nước cũng vào cuộc bằng gói 120.000 tỷ đồng và đã tăng hơn 140.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề về lãi suất, cũng vẫn có những lấn cấn, đặc biệt đối với khách hàng mua nhà, những người có ít khả năng chi trả, đặc biệt chi phí lãi vay bằng đồng lương khá hạn hẹp.
Về đầu ra, Chính sách đã đặc biệt quan tâm với các đối tượng cán bộ, công chức, những người hưởng lương, công nhân, lao động tại các khu công nghiệp. Có thể nói là đã mở rộng rất mạnh. Ông Đính cho rằng 4 nhóm này về cơ bản đã được xử lý.
Riêng về quỹ đất, Chính phủ cũng đã vào cuộc và chỉ đạo các chính quyền địa phương đồng hành. Một số doanh nghiệp trong hiệp hội khi tiếp cận quỹ đất vẫn là một bài toán khó khăn. Đặc biệt là vấn đề ứng xử của chính quyền. Điều này có lẽ vẫn tạo ra điểm nghẽn mặc dù chính sách đã rất tốt và rất phù hợp với đại bộ phận dân chúng.
“Cần đẩy mạnh hơn và đặc biệt là chính quyền các địa phương, bởi nhiều nơi khi doanh nghiệp tiếp cận vẫn gặp rào cản, đặc biệt là những quy định, quy trình để hướng dẫn thực hiện thì vẫn có gì đó lúng túng ở một số nơi. Vì vậy, cần có những quy định mạnh hơn của Chính phủ dành cho các địa phương về trách nhiệm, có lẽ phải là một nhiệm vụ bắt buộc”, ông Đính kiến nghị.
Nguồn: https://baodautu.vn/batdongsan/chu-tich-tap-doan-hoang-quan-chua-bao-gio-gia-nha-o-xa-hoi-re-nhu-bay-gio-d230259.html