Bài 3: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp
Khó khăn trong hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện tại có nguyên nhân từ sự chưa rõ ràng trong thực hiện chức năng nhiệm vụ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp với vai trò chủ sở hữu vốn nhà nước.
Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cần có cơ chế để Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp “tăng chất” của nhà đầu tư chuyên nghiệp. Điều này đòi hỏi cải cách, tái cấu trúc, nâng cao năng lực mạnh mẽ cho Ủy ban.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. |
Thưa ông, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét, cho ý kiến Dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là văn bản luật sẽ thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp được ban hành năm 2014. Đang có nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá, xem xét mô hình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ông có suy nghĩ gì về ý kiến này?
Việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) bắt nguồn từ tư tưởng chiến lược. Đó là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả sử dụng đồng vốn của nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quy mô lớn.
Tư tưởng đó bao gồm cả về quản lý nâng cao hiệu quả, làm sao chia tách vai trò chủ sở hữu với vai trò quản lý nhà nước. Mục tiêu là như vậy.
Đây là những vấn đề lớn và không đơn giản, bởi có lý do từ những vấn đề có tính lịch sử, bản chất của vốn nhà nước, sở hữu nhà nước. Ví như trước đây, chúng ta quan niệm doanh nghiệp nhà nước và quản lý nhiều cấp, nên có doanh nghiệp địa phương do địa phương đại diện sở hữu vốn, doanh nghiệp trung ương thì các bộ chủ quản đại diện vốn.
Việc thành lập Ủy ban thực sự là quá trình phải chuyển đổi lớn, đỏi hỏi thay đổi cả về tư duy, bộ máy, cơ cấu, tổ chức…
Với Ủy ban, dù được thành lập dựa trên kinh nghiệm học hỏi từ nhiều mô hình trên thế giới, có sự tham gia tư vấn của nhiều chuyên gia, vẫn là mô hình rất mới với Việt Nam. Trong quá trình hoạt động vừa qua, hoạt động của Ủy ban có không ít khó khăn, thách thức cho chính Ủy ban với chức năng, nhiệm vụ có tư cách là một đại diện có quyền lực của chủ sở hữu.
Cụ thể, thách thức đó là gì, thưa ông?
Ví dụ, cho đến nay, vẫn còn nhập nhằng giữa cái cũ và mới trong quản lý nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty; hay việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của Ủy ban với vai trò chủ sở hữu, hay cụ thể hơn với vai trò như nhà đầu tư nguồn vốn.
Tất nhiên, phải khẳng định rằng, thời gian quan, với những nỗ lực tự thân của các tập đoàn, tổng công ty và Ủy ban, hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những kết quả tích cực. Rõ nhất ở chỗ các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trước đây, hoạt động các khu vực này còn thiếu hiệu quả, có nhiều dự án yếu kém, thua lỗ. Đến nay, không phải mọi việc đã tròn trịa, nhưng đều làm ăn có lãi, hiệu quả tăng. Nhiều tập đoàn, tổng công ty vượt kế hoạch lợi nhuận, có đóng góp lớn cho ngân sách. Tôi nghĩ đây là điều rất quan trọng.
Thứ hai, nhiều tập đoàn đã bắt nhịp được xu thế đòi hỏi mới của đất nước, tập trung nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi kép, có thể thấy như các dự án thuộc ngành năng lượng, dầu khí, viễn thông.
Thứ ba, nhiều dự án yếu kém đang được khắc phục, tái khởi động theo hướng có thể vận hành, đem lại giá trị cho nền kinh tế như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Khoáng sản và Luyện kim Việt – Trung, Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2…
Bản thân Ủy ban cũng có những nỗ lực, cải cách, cải tổ chính mình trong công tác cán bộ, nguồn nhân lực, để qua đó có năng lực nắm bắt, đề đạt các khó khăn của doanh nghiệp trực thuộc, phối hợp với doanh nghiệp đề xuất, xây khung khổ pháp lý để các cơ quan quản lý, để Chính phủ ban hành kịp thời, có chất lượng.
Ví dụ, Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), một doanh nghiệp thuộc Ủy ban mới đây được phê duyệt chiến lược hoạt động theo như chúng tôi đánh giá có nhiều tư tưởng tốt. Chẳng hạn, đánh giá hiệu quả một cách toàn cục chứ không phải dự án đơn lẻ, đong đếm được hiệu quả đầu tư tài chính theo thước đo lãi suất trái phiếu chính phủ; Tách bạch được “trò chơi” có tính thị trường cao với đặt hàng theo nhiệm vụ nhà nước…
Nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước, như PVN đã bắt nhịp được xu thế đòi hỏi mới của đất nước. |
Với những kết quả bước đầu như vậy, theo ông, cần phát huy mô hình đại diện vốn nhà nước của Ủy ban trong thời gian tới như thế nào?
Như đã đề cập, hoạt động của Ủy ban và mô hình cơ quan đại diện vốn nhà nước chuyên trách này có nhiều khó khăn.
Thứ nhất, tách bạch chưa đúng nghĩa là đại diện, chồng chéo với cơ quan quản lý nhà nước khác nên quy trình ra quyết định của Ủy ban rất khó.
Thứ hai, sở hữu nhà nước luôn có đặc tính đại diện nên quyền ra quyết định với tư cách người đại diện chủ sở hữu giữa Ủy ban với các tập đoàn, tổng công ty còn có khúc mắc.
Thứ ba, làm sao để Ủy ban tăng chất của nhà đầu tư chuyên nghiệp, điều này đòi hỏi cải cách, tái cấu trúc, nâng cao năng lực mạnh mẽ cho Ủy ban.
Thứ tư, cách đây khoảng 3 – 4 năm, chúng ta từng có đề án thí điểm hình thành các tập đoàn lớn (sếu đầu đàn) từ các doanh nghiệp nhà nước.
Thực tế là suốt thời gian dài các tập đoàn lớn không có dự án đầu tư nào thực sự nổi bật, họ cần những chính sách thí điểm về cơ chế tự chủ, chính sách lương thưởng, đầu tư rủi ro, đổi mới sáng tạo…
Gần nhất là vào năm ngoái, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, với yêu cầu xây dựng những cơ chế chính sách thí điểm để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp dẫn dắt, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.
Với tư cách cơ quan đại diện chủ sở hữu, quản lý và đầu tư vốn nhà nước, Ủy ban sẽ có đóng góp cho quá trình này. Cả theo 2 nghĩa, đóng góp vào cơ chế và đóng góp vào việc sử dụng vốn.
Đang có nhiều kỳ vọng Ủy ban thực sự là nhà đầu tư chuyên nghiệp như ông vừa đề cập. Theo ông, có cần cơ chế, chính sách gì để Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đảm nhận tốt nhất vai trò này?
Hãy nghĩ đơn giản, Ủy ban như một nhà đầu tư có tiền và nắm cổ phần chi phối tại doanh nghiệp. Vậy, nhà đầu tư này làm gì và có quyền gì?
Với vai trò là cổ đông chi phối, nhà đầu tư sẽ tham gia định hướng chiến lược, quyết định lựa chọn nhân sự, giám sát mục đích chiến lược mà nhà đầu tư đặt ra có đạt được không. Để làm được điều này, cần những quy định rành mạch, phân cấp, để Ủy ban được đại diện đến đâu và quyết những vấn đề gì.
Cần lưu ý, do tính phức hợp của quá trình tái cấu trúc vốn nhà nước, sở hữu nhà nước có nhiều tầng nấc đại diện, bên cạnh phân cấp rõ, giảm thiểu hoá phí tổn ra quyết định thì sự kết nối, phối hợp chia sẻ là rất quan trọng.
Vì vậy, cũng cần những cơ chế để nhà đầu tư vốn cải thiện được năng lực ra quyết định như thu hút nguồn nhân lực tài năng, nâng cao chất lượng cán bộ…
Nguồn: https://baodautu.vn/bai-3-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-phai-la-nha-dau-tu-chuyen-nghiep-d227952.html