Người dân ở TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị có lẽ không còn xa lạ với hình ảnh hai vợ chồng thợ may đam mê bộ môn xe đạp thể thao sáng sáng lại tập luyện cùng nhau quanh thành phố.
Suốt 8 năm nay, đều đặn từ 5 giờ sáng, anh Lê Thanh Sơn (48 tuổi) và chị Thúy Phượng (43 tuổi), ngụ tại TP. Đông Hà, Quảng Trị lại dắt xe khỏi nhà từ sớm, cùng nhau đạp vài chục cây số để vừa tập luyện, vừa khám phá cảnh đẹp quê hương.
Chi gần trăm triệu mua xe đạp
“4 giờ 30 phút sáng hai vợ chồng đã dậy, 5 giờ tập trung cùng anh em rồi đạp. Buổi sáng ngày thường đạp từ 25-30 km trong 1 tiếng; thứ bảy, chủ nhật đạp xa hơn, từ 50-60 km”, chị Võ Thị Thúy Phượng kể với phóng viên.
“Mình đam mê trước rồi đưa vợ vào “con đường này” là hai vợ chồng cùng tập luyện chung”, anh Sơn nói thêm.
Vợ chồng thợ may bỏ gần trăm triệu mua xe đạp, 8 năm dậy sớm đạp xe cùng nhau
Dù là đạp xe phong trào nhưng anh Sơn mạnh dạn chi gần trăm triệu đồng để mua xe đạp cho hai vợ chồng. Chưa kể chi phí trang phục, dày dép, mũ nón, mỗi món cũng từ vài triệu đến cả chục triệu đồng mỗi món. Nhà anh Sơn có đến 3 chiếc đạp, nhiều chiếc nón bảo hiểm để đội luân phiên. Quần áo, trang phục thể thao cũng được hai vợ chồng đầu tư đổi mới định kỳ.
“Xe tuỳ thuộc vào kinh tế mỗi người, tầm 50-70 triệu đồng, nhiều anh em đam mê mua 200-300 triệu đồng, phụ kiện thể thao rất cao nhưng vì đam mê mà đầu tư”, anh Sơn tiết lộ hai chiếc xe rơi vào tầm 70 triệu/xe.
Cô thợ may thành nhà vô địch xe đạp phong trào
Trong tiệm may đo veston trên đường Trần Hưng Đạo, bằng khen, huy chương và cả những chiếc cúp treo đầy trong nhà. Tất cả đều là thành tích của chị thợ may Thúy Phượng.
“Vợ mình bắt đầu thi đấu giải phong trào 2-3 năm về trước. Ban đầu thi đấu ở Hòa Bình, Sầm Sơn cho đến Cửa Lò, Quảng Nam,… nhiều giải lắm mà toàn về tốp 10 thôi. Gần đây vợ đạt giải ba ở Cửa Lò (Nghệ An) và giải nhất nữ ở Quảng Nam. Hai vợ chồng rất vui, vừa đi thi vừa có trải nghiệm”, anh Sơn tâm sự.
Tham gia vào bộ môn xe đạp được gần 30 năm, anh Sơn không thi đấu mà chỉ xác định đây là một đam mê phong trào. Thấy vợ có tố chất thể thao, anh dồn tâm huyết tập luyện cho chị để lui về làm tốt nhiệm vụ của một trụ cột kinh tế trong gia đình.
“Đến với bộ môn này đúng là mình làm huấn luyện viên cho vợ, dìu dắt vợ đến ngày hôm nay, ngày nào cũng làm việc rồi tập luyện với nhau. Mình vừa là người chồng, vừa huấn luyện viên, vừa là người bạn đời của cô ấy”. Anh Sơn cho biết đã bắt đầu đạp xe từ những năm 1994, đến nay đã có 30 năm kinh nghiệm ở bộ môn thể thao phong trào này.
Dù đã kết hôn gần 30 năm, anh Sơn chị Phượng vẫn nhỏ nhẹ, ân cần với nhau như vợ chồng son. Mỗi lần nhắc đến chồng, chị Phượng đều rưng rưng xúc động.
Cả hai vợ chồng cũng đặt quyết tâm sẽ nỗ lực để đạt thành tích tốt nhất tại giải đua xe đạp “Điểm đến hòa bình” trong khuôn khổ “Ngày hội đạp xe Vì hòa bình” do UBND tỉnh Quảng Trị và Báo Thanh Niên phối hợp tổ chức.
“Mình rất tự hào về chồng vì sự đam mê môn xe đạp. Mình cũng đam mê tới thời điểm này 8 năm rồi. Sau khi đạt giải ba tại giải xe đạp ở Cửa Lò và mới đây giải Nhất nữ ở Quảng Nam, mình có nhiều động lực để tập luyện và quyết tâm cho giải đua xe đạp Vì Hòa Bình, mang thành tích về cho tỉnh nhà”, chị thợ may giản dị nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tu-dap-may-may-den-dap-xe-chong-lam-hau-phuong-cho-vo-gianh-cup-185240629001057426.htm