Cho đến nay, ngay cả khi “loạt đạn mở màn” đã được bắn ra, cả hai bên dường như vẫn để lại không gian cho một thỏa thuận tiềm năng.
Quan hệ Mỹ-Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào trong bốn năm tới và liệu có thể tìm ra cách để hai nước hòa hợp trong thế kỷ XXI hay không, có rất nhiều suy đoán và phân tích. (Nguồn: CNN) |
Đòn đáp trả đầu tiên báo hiệu cuộc xung đột thương mại mới giữa Mỹ và Trung Quốc đã chính thức nổ ra, khi mức thuế quan của Bắc Kinh đối với gần 14 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ có hiệu lực.
Như vậy, Trung Quốc đã có ngay “câu trả lời” - chỉ chưa đầy một tuần, sau khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế toàn diện 10% đối với hàng trăm tỷ USD hàng hóa mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc mỗi năm. Các mức thuế quan mà Bắc Kinh đem ra “đáp trả” đòn tấn công từ Washington khá đa dạng - bao gồm thuế đối với dầu thô, khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và một số máy móc, phương tiện.
“Cuộc chơi” thuế quan
Người ta đã hy vọng cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước giúp tránh được sự leo thang thù địch có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn.
Nhưng đáng tiếc, mọi lo sợ đều đã thành sự thật. Câu hỏi đặt ra hiện nay là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Và hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới sẵn sàng gây căng thẳng đến mức nào đối với mối quan hệ kinh tế chặt chẽ vốn đã gắn kết họ.
“Trong phản ứng đối với mức thuế quan mới của ông Trump, Bắc Kinh đã có sự kiềm chế”, theo CEO Andy Rothman của Nhóm cố vấn Sinology, “một phần vì ông Tập Cận Bình vẫn muốn mở một con đường để đàm phán với Tổng thống Trump” .
Vậy có chỗ cho một thỏa thuận không? Mức thuế quan của Trung Quốc - 15% đối với một số loại than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng và 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp và một số phương tiện – chỉ ảnh hưởng đến khoảng 13,86 tỷ USD hàng hóa, theo tính toán của CNN dựa trên dữ liệu hải quan năm 2024 của Trung Quốc. Con số này chiếm chưa đến 9% tổng lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ. Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 524 tỷ USD hàng hóa sang Mỹ vào năm 2024 và nhập khẩu hơn 163 tỷ USD từ Mỹ.
Tuần trước, Bắc Kinh cũng đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có hiệu lực ngay lập tức đối với một số nguyên liệu thô được sử dụng trong các lĩnh vực quốc phòng và công nghệ xanh, cũng như các biện pháp nhắm vào một số công ty Mỹ.
Trong khi đó, “đòn thuế quan” mới nhất của Washington hiện vẫn nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với mức thuế hơn 60% mà ông Trump đã đe dọa sẽ áp dụng đối với hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trong quá trình vận động tranh cử.
Trước “cuộc chơi” thuế quan với Bắc Kinh, người đứng đầu nước Mỹ cũng cho biết, ông vẫn sẵn sàng cho một thỏa thuận. Tháng trước, trong cuộc tụ họp với giới tinh hoa chính trị và kinh doanh tại Davos (Thụy Sỹ), ông Trump từng chia sẻ “luôn thích” Chủ tịch Trung Quốc và mong muốn “hòa hợp với Bắc Kinh”.
Theo nhận định của CEO Rothman, “Tổng thống Trump dường như đã trong chế độ thỏa thuận, ông chỉ đang sử dụng 'đòn thuế quan' như một công cụ đàm phán… Tuy nhiên, vẫn chưa rõ ông ấy muốn gì từ Chủ tịch Tập Cận Bình và ông ấy sẵn sàng đưa ra điều gì để đổi lại”.
Cùng quan điểm, ông Suisheng Zhao, Giám đốc Trung tâm hợp tác Trung - Mỹ tại Đại học Denver cũng cho rằng: “Họ đã chuẩn bị cho mức thuế quan 60%, nhưng dường như không hề đề cập… chưa có gì xảy ra, thậm chí chưa có gì gần với kịch bản tồi tệ nhất”.
Tuy nhiên, một thời hạn khác vẫn còn lơ lửng trên các cuộc đàm phán - ngày 1/4 tới là ngày mà Tổng thống Trump đã ra lệnh cho các quan chức dưới quyền tiến hành điều tra về quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc - vấn đề có thể gây ra nhiều căng thẳng hơn.
Chiến lược hợp lý, giảm thiểu rủi ro
Nhiều ý kiến cho rằng, phản ứng của Trung Quốc rõ ràng là “nhẹ tông” hơn so với những tuyên bố của nước này trước chính sách thuế quan khắc nghiệt của tân Tổng thống Mỹ. Sự không cân xứng này có thể được giải thích là việc Trung Quốc không hề mong muốn kích động một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ - một trong những thị trường hàng đầu. Thay vào đó, họ bình tĩnh chọn “chiến lược hợp lý, nhằm giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế”.
Nhà nghiên cứu cấp cao Alexander Firanchuk tại Học viện Hành chính công trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga (RANEPA) phân tích, thông qua danh mục mặt hàng chịu mức thuế trả đũa mới, Bắc Kinh muốn giảm thiểu tối đa thiệt hại. Chẳng hạn, việc hạn chế nhập khẩu linh kiện và thiết bị sẽ gây ra nhiều hậu quả tiêu cực hơn cho nền kinh tế Trung Quốc vì khó tìm kiếm được nguồn cung thay thế.
Nhưng các mặt hàng như dầu mỏ, LNG hay than đá chỉ chiếm thị phần tương đối nhỏ trong tổng nguồn cung cấp các nguồn năng lượng cho Trung Quốc. Do đó, trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng, khiến đứt gãy nguồn cung các mặt hàng này từ Mỹ, Bắc Kinh sẽ dễ dàng định hướng sang các nhà cung cấp thay thế.
Các quan chức ở Bắc Kinh hiện sẽ tập trung vào việc cân nhắc cẩn thận các thông điệp sẽ gửi đến Nhà Trắng, trong cả hoạt động ngoại giao và các biện pháp thương mại. Họ cũng có thể muốn nắm bắt mọi cơ hội để sử dụng mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo để thuyết phục Tổng thống Mỹ không tăng cường trừng phạt với nền kinh tế Trung Quốc - điều mà các nhà kinh tế cho rằng, sẽ giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bắc Kinh chắc chắn không muốn thấy căng thẳng leo thang… đòn bẩy của họ không mạnh bằng Mỹ, vì vậy họ phải tận dụng mọi cơ hội có thể để cố gắng xoa dịu người đứng đầu Nhà Trắng.
Ngay cả khi Bắc Kinh tập trung ngăn chặn một cuộc chiến thương mại ngày càng sâu sắc, thì không còn nghi ngờ gì nữa, các quan chức của nước này đã thận trọng chuẩn bị các tình huống bất ngờ - và cân nhắc các hình phạt tiềm tàng để áp dụng và các nhượng bộ có thể thực hiện, nếu ông Trump tiếp tục “ra đòn”. Như phân tích của nhà kinh tế trưởng Nick Marro, phụ trách khu vực châu Á tại Economist Intelligence Unit, các hành động thương mại của ông Trump sẽ buộc Bắc Kinh phải đáp trả, nhưng với một động thái có mục tiêu hơn, thay vì “ăn miếng trả miếng” toàn diện như hồi năm 2018-2019, khi cuộc chiến thương mại nổ ra lần đầu tiên.
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào trong bốn năm tới và liệu có thể tìm ra cách để hai nước hòa hợp trong thế kỷ XXI hay không, có rất nhiều suy đoán và phân tích. Tuy nhiên, chìa khóa nằm trong tay cả Trung Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên tâm lý “trò chơi tổng bằng không” của các chính quyền Mỹ trước đây đã để lại nhiều “tài sản tiêu cực” trong quan hệ, khiến con đường xây dựng lại lòng tin song phương trở nên dài hơn. Nhiều vấn đề cấp bách đang tồn tại, danh sách các vấn đề cần giải quyết rất dài và đầy thách thức, đòi hỏi cả hai nước phải cùng ngồi lại đối thoại.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đưa ra gợi ý, nếu cả hai nước tập trung chính sách vào việc quản lý tốt các vấn đề của riêng mình và nâng cao cảm giác được hưởng lợi, thay vì lãng phí nguồn lực vào xung đột và đối đầu là điều cần thiết cho những “giấc mơ riêng”.
Nguồn: https://baoquocte.vn/choi-voi-my-theo-cach-cua-bac-kinh-304163.html
Bình luận (0)