Chị Yang, một blogger (27 tuổi) ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), đến một cửa hàng để gặp “khách hàng” đầu tiên của chị là một chàng trai trẻ – người đã trả 125 nhân dân tệ (khoảng 17 USD) mỗi giờ để “mua” thời gian của chị Yang.
“Anh ấy sẽ hỏi tôi nghĩ gì từ góc độ của một người phụ nữ. Tôi đoán anh ấy không có bạn khác giới nào để nói chuyện, và anh ấy cũng muốn có người để trút bầu tâm sự về bạn gái của anh”, chị Yang kể về công việc kiếm thêm của mình.
Một xã hội cô đơn và căng thẳng
“Giới trẻ ngày càng cô đơn hơn. Một số người rất căng thẳng trong công việc và một số khác đang phải chịu không ít áp lực từ chính gia đình của họ”, chị Yang phân tích.
Sự kết hợp giữa căng thẳng từ cuộc sống và cô đơn đã mở ra cơ hội kinh doanh mới cho những người trẻ tuổi ở Trung Quốc. Từ đó, ngày càng có nhiều người cho thuê thời gian rảnh rỗi của chính mình để kiếm thêm tiền.
Báo Nikkei Asia nhận định điều đó là sự kết hợp gần như hoàn hảo giữa cung và cầu.
Về phía cung, sự phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc, làn sóng sa thải nhân viên và tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao kỷ lục đã tạo ra một lượng lớn người lao động “rảnh rỗi”. Những người này có nhiều thời gian và có nhu cầu kiếm tiền nhưng lại không có việc làm.
Về phía cầu, áp lực to lớn tại nơi làm việc và áp lực từ xã hội đã thúc đẩy giới trẻ tìm kiếm những cách mới để có thể trút giận và giải tỏa căng thẳng.
“Nếu bạn trả tiền để có người đi cùng, bạn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Bạn không cần phải ‘nhìn trước ngó sau’ như khi ở cùng bạn bè hay gia đình”, chị Yang nói.
Rất nhiều người dùng đã bắt đầu đăng quảng cáo về chính họ lên các trang mạng xã hội vì tò mò, và vì một số người đi trước đã thành công khi biến dịch vụ “thuê bạn” thành một nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập.
Chị Yang chia sẻ tính đến nay chị đã có bảy khách hàng, tất cả đều dưới 35 tuổi. Hầu hết khách hàng của chị đều có công việc toàn thời gian căng thẳng và có một ít tiền tiết kiệm.
Chị Alaia Zhang (22 tuổi) cũng nhấn mạnh rằng các khách hàng của chị cũng chỉ tìm kiếm một người để trò chuyện.
“Giới trẻ ngày nay có rất nhiều mối lo lắng, nhưng họ không muốn mang sự tiêu cực đó đến bạn bè và gia đình, hoặc đơn giản, họ không cảm thấy mình có những người quen đủ tin cậy để chia sẻ những khúc mắc trong lòng”, chị Zhang phân tích.
“Mọi người đều cô đơn, ngay cả tôi, tôi cũng cô đơn”, Zhang bộc bạch. Theo chị, giới trẻ ngày nay ít dành thời gian và công sức để hình thành những mối quan hệ xung quanh vì họ sợ bị tổn thương.
Thuê người đi bệnh viện cùng cho đỡ bơ vơ
Không chỉ “thuê bạn” để tâm sự, dịch vụ “thuê thân nhân” cũng thu hút không ít sự quan tâm của người dân ở Trung Quốc và đang ngày càng phổ biến hơn.
Khác với “bạn thuê”, những “thân nhân thuê” này cần phải hiểu rõ về hệ thống chăm sóc sức khỏe địa phương, họ cũng phải nghiên cứu trước về tình trạng và tiền sử bệnh của khách hàng, và phải hỏi bác sĩ những câu hỏi phù hợp về tình trạng bệnh của khách hàng.
Chị Cui Pei (38 tuổi) – một người chuyên làm “thân nhân thuê” ở Bệnh viện Tây An – cho biết nhu cầu về dịch vụ này đã tăng vọt trong thời gian gần đây.
Cui tiết lộ những “thân nhân thuê” có thể kiếm được ít nhất 6.000 nhân dân tệ (hơn 844 USD) mỗi tháng. Thậm chí, nhiều người đã tìm đến Cui thông qua nền tảng Xiaohongshu để “học nghề”, nhưng chị không nhận những “học viên” trên 50 tuổi vì công việc này gây mệt mỏi về thể chất.