Theo BGR, để giải quyết vấn đề tốc độ Wi-Fi chậm khi có nhiều người truy cập, các nhà nghiên cứu đang phát triển giải pháp chip Wi-Fi 3D. Về cơ bản, hầu hết các hệ thống Wi-Fi hiện dựa vào “chip phẳng”, có nghĩa chúng phát ra tín hiệu trong phạm vi rất phẳng. Vì là thiết bị hai chiều nên chúng có số lượng tần số hạn chế khi giao tiếp, nhưng nếu xây dựng chip Wi-Fi ba chiều, người dùng có thể giao tiếp trong nhiều tần số cùng một lúc.
Hãy nghĩ về nó giống như những con đường trong thành phố. Nếu chúng ta cố dồn một loạt ô tô vào một con đường có hai làn sẽ gặp vấn đề. Nhưng nếu thêm những con đường bổ sung phía trên hoặc phía dưới những con đường khác, điều đó có nghĩa cung cấp thêm không gian cho xe cộ đi qua.
Đó là ý tưởng cơ bản đằng sau chip Wi-Fi 3D và vừa được công bố trên tạp chí Nature Electronics. Nếu nghiên cứu thành công, nó có thể giúp cách mạng hóa cách chúng ta sử dụng thông tin liên lạc không dây nhờ một số lợi ích mà chúng mang lại.
Đầu tiên, có thể thấy mức tăng hiệu suất rất lớn ngay cả khi nhiều thiết bị được kết nối cùng một dịch vụ không dây. Ngoài ra, nếu tạo một con chip hoạt động theo không gian ba chiều, chúng ta có thể mở rộng quy mô hệ thống dễ dàng hơn vì sẽ không cần phải làm cho nó lớn và rộng hơn như cách làm với một con chip phẳng.