Trong một thông điệp gửi tới các nhà hoạt động của Đảng Dân chủ, Harris và Brainard kêu gọi họ thuyết phục các nhà lập pháp để ngăn việc Mỹ có thể vỡ nợ trong vòng chưa đầy hai tuần tới.
Bà Harris đang thực hiện các nỗ lực để ngăn khả năng này xảy ra trong lúc Tổng thống Joe Biden sẽ phải dành những ngày tới tại Nhật Bản để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 gồm các nhà lãnh đạo thế giới. Bà nói: “Một khoản nợ không trả được có thể gây ra suy thoái kinh tế”.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết các nhà đàm phán của Nhà Trắng và các đảng viên Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ đã gặp lại nhau tại Điện Capitol để thảo luận về việc tìm kiếm tiếng nói chung trong việc dỡ bỏ trần nợ 31,4 nghìn tỷ đô la và dự định gặp lại vào thứ Sáu (19/5).
Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cho biết các nhà lập pháp từ phòng của ông nên sẵn sàng có mặt tại Washington trong trường hợp họ cần phải bỏ phiếu, ngay cả trong những ngày nghỉ cuối tuần.
Brainard, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, cho biết nhóm đàm phán của ông Biden đã được chỉ thị không đồng ý với bất kỳ đề xuất nào của Đảng Cộng hòa về việc dỡ bỏ trần nợ nếu nó lấy đi dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người Mỹ hoặc đẩy bất kỳ ai trong số họ vào cảnh nghèo đói.
Các đảng viên Cộng hòa, những người đang đe dọa khiến Chính phủ Mỹ vỡ nợ, đang cố gắng thuyết phục các Đảng Dân chủ chấp nhận các yêu cầu hạn chế một số chương trình viện trợ liên bang, cũng như cắt giảm chi tiêu, để đổi lấy việc dỡ bỏ trần vay.
Brainard cho biết mục tiêu của chính quyền Tổng thống Joe Biden, trong các cuộc đàm phán với nhóm của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, là hướng tới một thỏa thuận ngân sách lưỡng đảng hợp lý.
Bà nói: “Nhóm đàm phán của chính quyền đang đấu tranh chống lại những nỗ lực cực đoan nhằm đảo ngược tiến trình mà chúng ta đã đạt được: tạo việc làm năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu và giảm chi phí cho các gia đình trung lưu, bao gồm cả chi phí cho sinh viên, insulin và các loại thuốc khác”.
Bộ Tài chính Mỹ hôm thứ Hai vừa rồi nhắc lại rằng họ dự kiến chỉ có thể thanh toán các hóa đơn của Chính phủ Mỹ cho đến hết ngày 1 tháng 6 nếu không tăng giới hạn nợ, qua đó gây sức ép khiến Đảng Cộng hòa và Nhà Trắng cần sớm đạt được thỏa thuận trong những ngày tới.
Giới hạn này cần phải được dỡ bỏ thường xuyên vì Chính phủ Mỹ đang có xu hướng chi tiêu nhiều hơn số tiền họ nhận được từ thuế.
Huy Hoàng (theo Reuters, CNN)