Khi đoàn xe tăng, thiết giáp Nga tấn công, họ rơi vào trận địa phục kích của Ukraine và bị khóa chặt ở hai đầu, rơi vào tình thế không lối thoát.
Tiểu đoàn 2 thuộc Lữ đoàn Cơ giới số 30 Ukraine hồi đầu tháng đăng video lực lượng này phục kích đoàn xe tăng, thiết giáp Nga gần làng Sinkovka, cách thành phố Kupyansk khoảng 6 km về phía đông bắc. Đây là một trong những điểm nóng của chiến trường Ukraine, nơi Nga đang dồn lực lượng để tấn công.
Video do máy bay không người lái (UAV) trinh sát ghi lại cho thấy đoàn xe thiết giáp Nga nối đuôi nhau di chuyển qua một bãi mìn, xung quanh là xác một số phương tiện chiến đấu đã bị phá hủy trước đó.
Dẫn đầu mũi xung kích của Nga là một xe tăng gắn bộ cày mìn trước mũi, nhằm tạo lối mở an toàn cho đội hình phía sau. Các xe tăng, thiết giáp khác duy trì khoảng cách an toàn và đi theo vệt bánh xích của xe cày mìn phía trước.
Nhưng khi cả đoàn xe lọt vào trận địa phục kích, chiếc dẫn đầu đoàn bất ngờ bị Ukraine tấn công bằng tên lửa chống tăng và phát nổ dữ dội. Một thành viên kíp lái kịp thoát ra ngoài, bò trên mặt đất tìm chỗ trốn, nhưng sau đó trúng đạn và nằm bất động.
Bị chặn đầu, ba chiếc xe trong đoàn tìm cách lùi lại theo lối cũ để rút lui, song UAV Ukraine đã thả thuốc nổ vào chiếc thiết giáp ở cuối đoàn, khiến nó bị vô hiệu hóa. Chiến thuật “khóa đuôi” này khiến cả đoàn xe không còn đường rút lui. Một số lính bộ binh Nga nhảy ra khỏi xe thiết giáp, chạy về rặng cây gần đó để ẩn nấp.
Để thoát khỏi cảnh mắc kẹt, hai chiếc xe còn lại phải mạo hiểm di chuyển sang hai bên, nhưng đều lần lượt cán phải mìn và phát nổ. Lực lượng Ukraine sau đó pháo kích các binh sĩ Nga trong rặng cây bằng đạn chùm. Không rõ thương vong của lực lượng Nga sau cuộc phục kích.
Đây được coi là trận phục kích thể hiện rõ chiến thuật “chặn đầu, khóa đuôi” mà Ukraine đang áp dụng để chặn đà tiến công của Nga. Theo chỉ huy Tiểu đoàn 2 Ukraine, các đoàn xe tăng, thiết giáp Nga thường xuyên hứng chịu thiệt hại như vậy do vấp phải phòng tuyến được xây dựng nhiều lớp của họ.
“Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó đối phương”, tiểu đoàn trưởng nói, thêm rằng mình đã giám sát cuộc phục kích từ một boong-ke gần đó.
Quân đội Nga gần đây huy động lực lượng lên tới hàng chục nghìn binh sĩ nhằm đánh chiếm Kupyansk, thành phố chiến lược về giao thông, kết nối mạng lưới đường sắt và đường bộ ở tỉnh Kharkov. Dù vậy, lực lượng Nga tới nay mới đạt được rất ít tiến triển trong nỗ lực tiến công làng Sinkovka ở ngoại ô thành phố.
Khó khăn của Nga tại mặt trận này là minh chứng rõ nét cho trạng thái “đóng băng” trên chiến trường Ukraine hiện nay, khi cả hai bên đều phải đối mặt với tình thế “dễ thủ, khó công”. Sau khi thất bại trong chiến dịch phản công quy mô lớn hồi tháng 6 năm ngoái, lực lượng Ukraine đã chuyển sang chiến lược “phòng thủ chủ động” để bảo vệ các vùng lãnh thổ mà nước này đã tái kiểm soát được trong chiến dịch.
Sau nhiều tháng củng cố phòng tuyến và tích lũy lực lượng, quân đội Nga chuyển từ thế thủ sang công, với kỳ vọng có thể dễ dàng xuyên phá phòng tuyến đối phương nhờ lợi thế vượt trội về khí tài, đặc biệt là đạn pháo, trong bối cảnh Ukraine đang thiếu hụt nghiêm trọng loại đạn này do viện trợ từ phương Tây sụt giảm.
Tuy nhiên, quân đội Nga dường như đang mắc phải đúng những khó khăn từng kìm chân lực lượng Ukraine trong chiến dịch phản công.
Một trong số đó là những bãi mìn được gài dày đặc, có khả năng vô hiệu hóa vai trò xung kích của xe tăng, thiết giáp và làm chậm đà tiến của lực lượng tấn công. Sự phổ biến của UAV trinh sát trên tiền tuyến khiến cả hai bên có thể dễ dàng quan sát “nhất cử, nhất động” của đối phương, song lực lượng phòng thủ là bên có lợi thế hơn, do phe tấn công không còn có thể mở các cuộc tập kích bất ngờ.
Các phương tiện chiến đấu hạng nặng cũng dễ trở thành “mồi ngon” cho UAV tự sát, loại vũ khí giá rẻ có khả năng tiêu diệt xe tăng, thiết giáp chỉ sau một đòn đánh vào vị trí hiểm yếu. Một chỉ huy Ukraine tại mặt trận Kupyansk cho biết Nga sẽ khó có thể đạt được bước tiến cho tới khi tìm được giải pháp ứng phó với UAV tự sát.
Một khó khăn khác mà lực lượng Nga đang phải đối mặt là mức độ tinh nhuệ của binh sĩ tham gia các đợt tấn công. Theo giới quan sát, Moskva đã phải điều lượng lớn quân nhân chưa được huấn luyện kỹ càng và thiếu kinh nghiệm tới Ukraine để bù đắp tổn thất về lực lượng, gây ảnh hưởng tới hiệu quả tác chiến trên tiền tuyến.
Điều này được phản ánh rõ trong cuộc phục kích của Tiểu đoàn 2 gần làng Sinkovka. Theo nhà phân tích tin tình báo nguồn mở Emil Kastehelmi, trước khi điều xe tăng tiến lên, Nga đáng lẽ phải pháo kích phủ đầu vào khu vực đó để phá vỡ trận địa phòng ngự của đối phương, song họ đã không làm như vậy.
“Đây gần như là một thất bại hoàn toàn về mặt chiến thuật”, Kastehelmi nhận định, thêm rằng quân đội Ukraine từng nhiều lần mắc sai lầm tương tự khi tiến hành chiến dịch phản công.
Dù áp đảo đối phương về mặt khí tài, lực lượng Nga cũng đang thiếu hụt một số loại thiết bị quân sự nhất định, trong đó có nòng pháo. Chuyên gia quân sự David Axe của Forbes cho biết Moskva gần đây phải tháo nòng một số loại pháo cũ để có linh kiện thay thế tạm thời cho các dòng đời mới hơn, trong bối cảnh nhiều khẩu pháo của họ đã bị hư hại nòng do khai hỏa quá nhiều.
Do gặp khó khăn trong nỗ lực xuyên thủng phòng tuyến Ukraine, quân đội Nga được cho là đang áp dụng chiến lược “chiến tranh tiêu hao”, mở nhiều đợt tấn công quy mô nhỏ nhằm bào mòn dần lực lượng đối phương cho đến khi phòng tuyến sụp đổ, thay vì mở các chiến dịch lớn với nhiều rủi ro.
Moskva sẽ là bên chiếm ưu thế trong cuộc chiến này nhờ năng lực sản xuất vượt trội của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa, hiện đã “vào guồng” sau gần hai năm diễn ra xung đột.
Trong khi đó, viện trợ quân sự từ phương Tây cho Ukraine gần đây sụt giảm mạnh, còn ngành công nghiệp vũ khí của nước này hiện chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu chiến sự. Ukraine cũng đang gặp khó khăn trong việc bù đắp tổn thất nhân lực trên chiến trường, khi nhiều người dân nước này đang cảm thấy chán nản, mệt mỏi do xung đột kéo dài và không còn muốn nhập ngũ.
Nga có quy mô dân số lớn hơn Ukraine nên sẽ thuận lợi hơn trong việc tuyển quân. Vadym Skibitskyi, quan chức thuộc Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR), ngày 15/1 cho biết Moskva hiện tuyển thêm được khoảng 30.000 binh sĩ một tháng, đủ để bù đắp tổn thất sinh lực trên chiến trường.
Giới quan sát nhận định sau những khó khăn ban đầu vì những cuộc phục kích kiểu “chặn đầu, khóa đuôi” của Ukraine, lực lượng Nga nhiều khả năng sẽ tìm ra cách khắc chế để vượt qua phòng tuyến đối phương, ít nhất là ở vùng Donbass, nếu phương Tây không cung cấp thêm viện trợ quân sự cho Kiev.
“Nếu duy trì được ưu thế về pháo binh từ giờ đến hết năm, Nga sẽ có thể chiếm được phần còn lại của Donbass”, Michael Clarke, cựu giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định.
Phạm Giang (Theo WSJ, Guardian, Forbes)