Các chuyên gia nhận định việc Đức công bố Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên trong lịch sử nước Cộng hòa Liên bang là cần thiết, dù còn đó những hoài nghi.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (giữa) cùng thành viên nội các công bố Chiến lược An ninh quốc gia ngày 14/6. (Nguồn: Reuters) |
Bối cảnh đặc biệt
Tuần vừa qua, Đức đã lần đầu tiên ban hành Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên trong lịch sử nước Cộng hòa Liên bang.
Theo DW (Đức), dù Berlin đã ban hành nhiều tài liệu chính sách liên quan về an ninh, song nước này lại chưa có Chiến lược An ninh quốc gia. Do đó, cuối năm 2021, chính quyền Thủ tướng Olaf Scholz đã nhất trí soạn thảo một “chiến lược toàn diện hơn” để đối phó với thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống mới nổi toàn cầu. Song do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ yếu tố bên ngoài như tình hình an ninh khu vực, thế giới tới khác biệt nội bộ, việc xây dựng chiến lược nêu trên đã không ít lần bị trì hoãn. Vì thế, văn bản dài 76 trang này chỉ mới chính thức ra mắt vào tuần qua.
Ngoài ra, Chiến lược An ninh quốc gia của Đức xuất hiện trong bối cảnh cuối năm qua và đầu năm nay, các đồng minh như Mỹ (tháng 10/2022), Pháp (tháng 11/2022) hay một số đối tác lớn, cụ thể là Nhật Bản (tháng 4/2023) và Hàn Quốc (tháng 6/2023) cũng vừa công bố tài liệu tương tự của riêng mình.
Đáng chú ý, các văn bản này đều nhận định tình hình khu vực và thế giới đang biến động nhanh, phức tạp, khó lường chưa từng có từ sau Chiến tranh lạnh với xung đột Nga-Ukraine, cạnh tranh nước lớn, kinh tế toàn cầu hồi phục, đứt gãy chuỗi cung ứng và sự nổi lên của hàng loạt điểm nóng, thách thức an ninh phi truyền thống. Chiến lược An ninh quốc gia Đức không phải là ngoại lệ.
Tuy nhiên, khác biệt nằm ở cách tiếp cận của mỗi quốc gia. Với Chiến lược An ninh quốc gia Đức, đó là bảo đảm “an ninh tích hợp” để “thích ứng trước điều chỉnh chiến lược” như ông Scholz nêu trong Tóm tắt tài liệu. Mọi hành động của Berlin đều là để bảo đảm an ninh trên những khía cạnh này và duy trì, phát huy giá trị Đức.
Với Chiến lược An ninh quốc gia Đức, đó là bảo đảm “an ninh tích hợp” để “thích ứng trước điều chỉnh chiến lược” như ông Scholz nêu trong Tóm tắt tài liệu. Mọi hành động của Berlin đều là để bảo đảm an ninh trên những khía cạnh này và duy trì, phát huy giá trị Đức. |
Ba nét lớn
Với mục tiêu đó, Chiến lược An ninh quốc gia của Đức có ba nét lớn.
Đầu tiên, không khó để thấy “an ninh tích hợp” là chủ đề xuyên suốt của văn bản này khi được đề cập 35 lần. Khái niệm này cho rằng an ninh không chỉ có ngoại giao và quân sự, mà còn là một cấu phần trong các lĩnh vực khác như kinh tế, năng lượng, công nghệ hay y tế. Ngược lại, sự phát triển của những lĩnh vực này sẽ góp phần cải thiện an ninh chung. Phương châm trên thể hiện rõ qua cách Berlin xây dựng ba trụ cột an ninh theo hướng “chủ động” (Wehrhaft), “chống chịu” và “bền vững” trong Chiến lược An ninh quốc gia.
Trong đó, nâng cao năng lực phòng thủ chủ động là trọng tâm, với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đóng vai trò then chốt, với từ khóa “NATO” xuất hiện 36 lần xuyên suốt văn bản này. Đặc biệt, bên cạnh cam kết thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên, Đức khẳng định kể từ năm 2024, nước này sẽ tăng chi tiêu quốc phòng từ 1,5% lên 2% theo định mức của NATO và tiếp tục triển khai Khái niệm Chiến lược của khối.
Điểm thú vị là mặc dù lãnh đạo Berlin từng nhất trí với đề xuất nâng cao năng lực “tự chủ chiến lược” do Paris khởi xướng, song cụm từ này đã không xuất hiện trong Chiến lược An ninh quốc gia của Đức.
Trong khi đó, tài liệu nhấn mạnh đất nước châu Âu sẽ tăng cường sức “chống chịu” của an ninh quốc gia thông qua “bảo vệ các giá trị”, giảm phụ thuộc kinh tế vào “đối thủ”, ngăn chặn các cuộc tấn công mạng, duy trì an ninh không gian và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc.
Cuối cùng, trụ cột “tính bền vững” nhấn mạnh cách thức giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng và an ninh lương thực.
Ông Olaf Scholz khảo sát việc diễn tập của xe tăng Leopard 2A6 thuộc biên chế Bundeswehr tại Ostenholz, Đức ngày 17/10/2022. (Nguồn: AP) |
Thứ hai, châu Âu vẫn tiếp tục là địa bàn trọng tâm trong chính sách an ninh của Đức. Trong đó, Nga là “thách thức nghiêm trọng nhất tới hòa bình, an ninh”. Theo Berlin, hoạt động quân sự của Moscow tại Ukraine là nguyên nhân then chốt dẫn đến tình trạng mất an ninh quốc phòng, năng lượng hay lương thực tại khu vực.
Mặc dù vậy, Berlin khẳng định không “muốn đối đầu hay đụng độ” với Moscow. Đồng thời, nước này ủng hộ giảm thiểu rủi ro chiến lược, duy trì các kênh liên lạc chính trị, quân sự khẩn cấp giữa Nga và NATO.
Cuối cùng, đó là câu chuyện về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Trung Quốc. Năm 2020, chính quyền cựu Thủ tướng Angela Merkel đã thông qua Định hướng về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Mới đây, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khẳng định sẽ điều tàu chiến tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2024 để thể hiện cam kết về “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” với khu vực.
Tuy nhiên, trong Chiến lược An ninh quốc gia của Đức, từ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” chỉ xuất hiện một lần. Cụ thể, tài liệu nhận định khu vực này “vẫn còn tầm quan trọng đặc biệt” với Đức và châu Âu.
Trung Quốc lại là câu chuyện khác. Theo Berlin, trên bình diện quốc tế, Bắc Kinh là đối thủ và thách thức mang tính hệ thống với mong muốn “định hình lại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Song mặt khác, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng với Đức và không thể thiếu trong nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu, một ưu tiên của chính quyền ông Olaf Scholz.
Khái niệm “an ninh tích hợp” cho rằng an ninh không chỉ là câu chuyện ngoại giao và quân sự, mà còn là một cấu phần trong lĩnh vực khác như kinh tế, năng lượng, công nghệ hay y tế. Ngược lại, sự phát triển của những lĩnh vực này sẽ góp phần cải thiện an ninh chung. |
Kỳ vọng và ý chí
The Economist (Anh) cho rằng Chiến lược An ninh quốc gia đã làm rõ quan điểm và mục tiêu an ninh của Đức một cách thẳng thắn và kịp thời, dù là về Nga, Trung Quốc hay châu Âu. Tuy nhiên, văn bản trên đã không đưa ra lộ trình cụ thể về thời gian và cách thức triển khai những mục tiêu đó. Kỳ vọng về một cơ quan đầu não nhằm tổng hợp, triển khai chính sách như Hội đồng An ninh quốc gia của Mỹ, cũng đã không được đề cập.
Trong khi đó, học giả Tim Hildebrandt, Trợ lý Nghiên cứu tại Đại học Khoa học ứng dụng Ruhr West (Đức) cho rằng cách coi Trung Quốc như một “đối tác, đối thủ và thách thức mang tính hệ thống” là cách tiếp cận không còn xa lạ tại tại Đức cũng như châu Âu. Song học giả này nhận định Chiến lược chưa phân tích khía cạnh lợi ích của Bắc Kinh trong quan hệ với Berlin. Đồng thời, văn bản thiếu định hướng cụ thể trong việc xây dựng một mối quan hệ Đức-Trung tích cực hơn trong tương lai.
Còn theo ông Thorsten Benner, Giám đốc Viện Chính sách công toàn cầu tại Berlin (Đức), Chiến lược An ninh quốc gia của Đức và các mục tiêu văn bản này đề ra là “tích cực”, song “chưa đi kèm với cam kết chính trị cần thiết để huy động nguồn lực cho mục tiêu đã nêu”.
Trong phần mở đầu tài liệu, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã viết: “Chiến lược này không phải đích đến, mà mới chỉ là nơi bắt đầu”.
Người ta thường nói, những bước đầu tiên luôn là bước khó khăn nhất. Liệu Đức có thể vượt qua các rào cản ban đầu ấy, “tăng tốc” để đạt được mục tiêu đã đề ra trong bản Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên của mình? Như bà Baerbock nói, câu trả lời sẽ “phụ thuộc vào ý chí của chúng ta”.