Điện Kremlin cho biết, tại cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Scholz, Tổng thống Nga Putin nêu rõ, Moscow sẵn sàng đối thoại nhằm giải quyết xung đột với Ukraine dựa trên các đề xuất mà Bộ Ngoại giao nước này công bố hồi tháng 6.
Tổng thống Nga Putin điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau gần 2 năm cắt đứt liên lạc. (Nguồn: AP) |
Ngày 15/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong gần 2 năm.
Điện Kremlin mô tả cuộc trò chuyện là “một cuộc trao đổi ý kiến chi tiết và thẳng thắn về tình hình ở Ukraine”, đồng thời nói thêm “bản chất của cuộc đối thoại là tích cực”.
Ông Scholz là lãnh đạo phương Tây đầu tiên điện đàm với Tổng thống Putin sau gần hai năm. Cuộc điện đàm gần nhất của lãnh đạo Nga và Đức diễn ra vào tháng 12/2022 và lần gần nhất hai bên gặp trực tiếp tại Moscow là vào ngày 15/2/2022.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết, trong cuộc điện đàm kéo dài gần 1 giờ, Thủ tướng Đức Scholz kêu gọi Nga tiến hành các cuộc đàm phán với Ukraine nhằm đạt được hòa bình lâu dài, đồng thời khẳng định quyết tâm của Berlin trong việc hỗ trợ Kiev “đến khi nào còn cần thiết”.
Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội X, Thủ tướng Scholz đã đề nghị Tổng thống Nga chấm dứt các hoạt động quân sự tại Ukraine, cũng như thể hiện “sự sẵn sàng đàm phán” với Kiev. Hai bên cũng đã nhất trí duy trì liên lạc sau cuộc điện đàm trên.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đưa ra cảnh báo việc Moscow triển khai quân đội Triều Tiên chống lại Ukraine càng làm tình hình “leo thang nghiêm trọng”.
Về phần mình, Điện Kremlin cho biết tại cuộc điện đàm, Tổng thống Nga nêu rõ Moscow sẵn sàng đối thoại nhằm giải quyết xung đột với Ukraine dựa trên các đề xuất mà Bộ Ngoại giao nước này công bố hồi tháng 6.
Tuyên bố của Điện Kremlin nhấn mạnh: “Về triển vọng giải quyết xung đột bằng chính trị và ngoại giao, Tổng thống Nga lưu ý rằng phía Nga chưa bao giờ từ chối và vẫn để ngỏ khả năng nối lại các cuộc đàm phán”. Bất kỳ thỏa thuận nào liên quan cũng cần phải tính đến lợi ích an ninh của Nga.
Bên cạnh đó, hai bên còn đề cập mối quan hệ song phương. Tổng thống Nga khẳng định nước này luôn thực hiện nghĩa vụ liên quan đến năng lượng và sẵn sàng hợp tác nếu Berlin quan tâm.
Ukraine ngay lập tức phản ứng gay gắt với diễn biến này. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ví cuộc gọi như “mở hộp Pandora” và mang lại cho Moscow những gì mà họ muốn.
“Chúng tôi biết cách hành động. Chúng tôi muốn cảnh báo: sẽ không có thỏa thuận Minsk-3. Chúng tôi cần hòa bình thực sự”, nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh.
Thỏa thuận Minsk-1 và Minsk-2, do Pháp và Đức làm trung gian, được kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho chiến sự miền Đông Ukraine và tháo ngòi căng thẳng giữa Nga – Ukraine. Điều khoản cốt lõi của các thỏa thuận này là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các bên phải nhất trí rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực tiền tuyến. Việc thực thi đầy đủ các thỏa thuận Minsk sẽ loại trừ khả năng Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO.
Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine không thực hiện đầy đủ và thỏa thuận thực chất là cách để Kiev “câu giờ”, chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn hơn.
Nguồn: https://baoquocte.vn/tiet-lo-noi-dung-cuoc-dien-dam-dau-tien-giua-hai-nha-lanh-dao-nga-duc-trong-gan-2-nam-moscow-neu-dieu-kien-doi-thoai-voi-ukraine-293955.html