Hà NộiThứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm công bố khởi động Chiến dịch Tin, khuyến khích giới trẻ nâng cao nhận thức về tin giả, sáng tạo nội dung tích cực cho cộng đồng, sáng 11/10.
Họp báo công bố Chiến dịch Tin do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Báo VnExpress tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, TikTok Việt Nam cùng nhiều nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Thông tin Truyền thông hoan nghênh sáng kiến Chiến dịch Tin, chủ đề Anti Fake News (chống tin giả) với mục tiêu xây dựng không gian mạng tích cực cho hơn 80 triệu người Việt đang sử dụng Internet hàng ngày.
Theo ông Lâm, hiện nhiều người xem không gian mạng là cuộc sống thứ hai, sáng tạo ra các nội dung có ảnh hưởng đến động đồng. Song song, các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang ngày càng phát triển ở Việt Nam, cho phép người dùng đăng tải nội dung miễn phí và khai thác quảng cáo. Điều này cũng góp phần gia tăng tình trạng tin giả, sai sự thật.
“Thực trạng tin giả có thêm nhiều diễn biến mới và không thể ngồi chờ đợi mà phải có niềm tin vào những người có ảnh hưởng tích cực trên mạng xã hội”, ông Lâm nói.
Về phía các cơ quan quản lý, hàng ngày họ đối mặt và xử lý nhiều vấn đề trên không gian mạng để bảo vệ và giúp người dân có một hệ sinh thái số an toàn và lành mạnh. “Chúng tôi nhận thấy việc này không nên làm một mình và không có lý do gì cơ quan nhà nước làm một mình mà phải huy động nguồn lực tiến bộ, những năng lượng tích cực từ các nhà sáng tạo nội dung”, Thứ trưởng Lâm nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ, hiện các nhà mạng xuyên biên giới chuyển đổi sang mô hình thu tiền người dùng để không phải xem quảng cáo cho thấy tín hiệu tích cực việc chống tin giả, tin xấu độc. Những nhà sáng tạo nội dung muốn thu được tiền cũng cần phải thay đổi quan điểm phục vụ. Trong đó, họ sẽ phát huy trách nhiệm xã hội và đồng hành với cơ quan nhà nước để lan tỏa giá trị tốt đẹp, chính sách đến người dân theo cách phù hợp nhất.
Ông Lâm kỳ vọng Chiến dịch Tin là sân chơi lành mạnh, khuyến khích nhiều người có thể sáng tạo ra những nội dung tích cực mang lại giá trị chung cho cộng đồng.
Tại sự kiện, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do chia sẻ thêm về thông điệp Anti Fake News và chuỗi hoạt động của Chiến dịch Tin.
Theo ông Do, tin giả là vấn nạn mà bất kể ai cũng từng gặp. Trong “biển” tin trên mạng xã hội làm sao để phân biệt được tin giả, tin thật và không chịu hậu quả – là mục tiêu cao nhất mà chiến dịch hướng đến.
Ngoài việc tạo ra sân chơi lành mạnh cho các nhà sáng tạo số, Cục mong muốn tôn vinh các nhà làm nội dung tích cực trên mạng xã hội. “Sáng tạo nội dung là một nghề rất mới tại Việt Nam song manh mún. Có người chọn làm nội dung sạch, có bộ phận không nhỏ chọn làm nội dung bẩn để nhanh nổi tiếng, nhanh kiềm tiền”, ông Do cho hay và gửi gắm thông điệp: các nhà sáng tạo nội dung hãy chọn làm nội dung có ích sẽ được cộng đồng ủng hộ và phát triển nghề nghiệp lâu dài.
Chiến dịch Tin diễn ra từ tháng 2/10 đến 15/11, với các hoạt động chính, gồm: Cuộc thi sáng tạo nội dung “Anti Fake News” trên nền tảng TikTok; Chương trình nâng cao văn hóa mạng Việt Nam và rất nhiều những hoạt động, ấn phẩm truyền thông được chia sẻ rộng rãi trên mọi nền tảng mạng xã hội.
Trong đó, cuộc thi “Anti Fake News” có sự đồng tổ chức của TikTok, hướng tới tạo nên sân chơi cho các bạn trẻ sáng tạo nội dung, truyền tải thông điệp chống tin giả, sai sự thật trên không gian mạng.
“Bất kỳ nền tảng nào vào Việt Nam, kiếm tiền từ người dân Việt Nam đều phải có đóng góp với cộng đồng. Cuộc thi Anti Fake News là một trong những hoạt động thể hiện cam kết này của TikTok”, ông Tự Do chia sẻ về sự tham gia của nền tảng TikTok.
Cuộc thi gồm ba chủ đề chính: Thứ nhất, thí sinh có thể thực hiện điệu nhảy “Anti Fake News” do nhạc sĩ Bùi Công Nam phổ lại lời dựa trên ca khúc Có không giữ, mất đừng tìm. Tại họp báo, ban tổ chức đã công bố bài hát chủ đề và điệu nhảy mẫu.
Thứ hai, người dự thi cũng có thể hát bài hát chủ đề của cuộc thi hoặc sáng tác, viết lời bài hát riêng theo chủ đề “Anti Fake News”.
Thứ ba, các nhà sáng tạo nội dung có thể chọn hình thức kể chuyện hoặc diễn hoạt cảnh về tình huống, cách xử lý khi bản thân hoặc những người xung quanh gặp phải những luồng thông tin sau: chưa đúng sự thật, kiểm chứng hoặc diễn giải chưa đúng bối cảnh gây ra hiểu lầm, ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức khác; lừa đảo, khiến cộng đồng hiểu sai, dẫn đến những tác động tiêu cực; đạo đức của người làm truyền thông khi sản xuất thông tin trên không gian mạng.
Cuộc thi gồm hai vòng: Khởi tạo và Chung cuộc. Trong đó, vòng đầu tiên diễn ra từ ngày 28/9 đến 28/10. Ban tổ chức sẽ trao giải cho gần 20 nhà sáng tạo có phần dự thi ấn tượng. Tổng giá trị giải thưởng đến 150 triệu đồng.
Đến nay, hashtag #antifakenews trên nền tảng TikTok đã có 592.000 video và thu hút hơn hai tỷ lượt xem trong vòng chưa đầy một tháng khởi động.
Xuyên suốt cuộc thi có sự đồng hành của Đại sứ hình ảnh Chiến dịch “Tin” là Lương Thùy Linh – Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2019. Cô cũng là ban giám khảo cho cuộc thi “Anti Fake News” và tham gia vào các sự kiện cộng đồng khác của chiến dịch.
Sự kiện còn có sự tham gia của nhiều nhà sáng tạo nội dung, cơ quan thông tin, truyền thông để hướng tới mục tiêu chung tay giảm thiểu tối đa thực trạng tin giả. Độc giả có thể theo dõi thông tin về chiến dịch thông qua Báo VnExpress và fanpage chính thức.
Nhật Lệ