Khảo sát do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc thực hiện tháng 8/2023 cho thấy chỉ một nửa số người từ 19 đến 49 tuổi nói có mong muốn kết hôn.
Trong số những người có ý định kết hôn, chưa đầy một nửa bày tỏ ý định có con trong tương lai.
Kết quả cuộc khảo sát này mới được Ủy ban Tổng thống về Chính sách dân số và xã hội già hóa Hàn Quốc công bố hôm 17/3.
Xét theo giới tính, 56,3% nam giới nói họ sẵn sàng lập gia đình, trong khi tỷ lệ này ở nữ là 47,2%. Xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ sẵn sàng kết hôn giảm dần theo độ tuổi: 58,7% với người ở độ tuổi 30-34 và bắt đầu giảm từ 35 tuổi trở lên.
Khi được hỏi có sẵn sàng sinh con hay không, 46% người tham gia khảo sát cho biết “không có ý định sinh con”. Chỉ có 28,3% sẵn sàng có con. Tuy nhiên, trong số những người được hỏi đã kết hôn, 46,5% nói đang “nghĩ đến việc có con” và 24,7% đáp “sẽ không có con”. Trong số những người được hỏi đã kết hôn và có ít nhất một con, 76% không sẵn sàng sinh thêm.
93,9% người trả lời khảo sát đồng ý với việc sụt giảm tổng tỷ lệ sinh là một “vấn đề xã hội”. Hầu hết cho rằng “khó khăn trong vừa làm việc vừa chăm con” là nguyên nhân.
Một báo cáo khác do Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc (KWDI) công bố nhấn mạnh gánh nặng chăm sóc lớn mà phụ nữ phải gánh vác, ngay cả trong các hộ gia đình có thu nhập kép (bố mẹ đều đi làm). Trung bình, các bà mẹ dành gần 12 giờ mỗi ngày để chăm sóc con cái, cao hơn rất nhiều so với mức gần 8 giờ của các trung tâm chăm sóc trẻ em, 4 giờ của các ông bố và gần 4 giờ giờ của ông bà.
KWDI kết luận gánh nặng chăm sóc trẻ em trước và sau giờ làm việc chủ yếu rơi vào người mẹ. Từ 6h đến 8h hàng ngày, 60 đến 80% thời gian chăm sóc trẻ là của các bà mẹ, còn các ông bố chỉ dành 10%. Trong suốt thời gian làm việc trong ngày, gánh nặng này chuyển sang các nhà trẻ hoặc ông bà nhưng rồi trở lại với người mẹ vào cuối ngày. Tính đến 18h, tỷ lệ chăm sóc trẻ em là 55% của mẹ và 20% của bố.
Theo KWDI, việc chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chủ yếu là của người mẹ, dù họ có đi làm hay không, cho thấy rõ bất bình đẳng giới trong việc phân chia chăm sóc trẻ em. Do đó, cơ quan này khuyến nghị cần cấu trúc lại môi trường làm việc để cân bằng giữa chăm sóc trẻ em và công việc, cũng như thiết lập lại môi trường chăm sóc công cộng đáng tin cậy.
Huy Phương (Theo Korea Herald)