25% chấn thương do chơi thể thao phổ biến thuộc vùng cổ – bàn chân, chạy bền trên 21 km mỗi tuần dễ chấn thương cổ bàn chân.
Thông tin được BS.CK1 Phan Vương Huy Đổng, Chủ tịch Liên chi hội Y học Thể dục Thể thao TP HCM, chia sẻ tại hội thảo khoa học về chấn thương chân trong thể thao ở Bệnh viện Gia An 115, ngày 25/2.
Theo bác sĩ Đổng, một khảo sát của Luka Vitez và cộng sự gần đây cho thấy vận động viên chạy bền trên 21 km mỗi tuần mắc nhiều chấn thương cổ bàn chân như viêm gân gót, đau cổ chân, hội chứng quá tải cẳng chân, đau vòm bàn chân, đau chỏm xương bàn… Nguy cơ chấn thương càng tăng đối với người lớn tuổi, nặng cân, cao lớn, không có thói quen khởi động và những vận động viên không chuyên phong trào.
Bàn chân có cấu trúc phức tạp nên các chấn thương thường gây khó khăn cho bác sĩ lâm sàng. Với các môn thể thao phổ biến, 25% chấn thương thuộc vùng cổ bàn chân. Một số chấn thương thường gặp là u thần kinh morton, đau xương đốt bàn, chấn thương khớp, chấn thương gân chày sau… Trong đó, 35% các chấn thương khớp Chopart liên quan đến thể thao, đặc biệt là các môn xoay đổi hướng. Nhiều trường hợp chấn thương này bị chẩn đoán nhầm hoặc bỏ sót, nếu điều trị không phù hợp có thể gây biến chứng biến dạng bàn chân bẹt.
Bác sĩ Đổng khuyến cáo khi chạy nhiều hoặc có ý định chạy chuyên nghiệp, cần lưu ý khám sức khỏe tổng quát, đặc biệt là vấn đề cơ xương khớp và cổ bàn chân trước khi tham gia để biết được cơ thể phù hợp với cường độ và loại vận động nào.
Bạn nên giải quyết các vấn đề sức khỏe (nếu có) trước khi tham gia chơi thể thao. Ví dụ, người có bàn chân tư thế sấp cần được điều chỉnh với đế lót phù hợp. Người chạy cần được huấn luyện bài bản bởi huấn luyện viên có chuyên môn, đảm bảo tập luyện tối thiểu các yếu tố sức mạnh, sức bền, sự dẻo dai, phản xạ. Chương trình tập được cá thể hóa, không tăng quá nhanh cường độ tập.
“Chạy bao nhiêu km tuần phụ thuộc vào đánh giá của bác sĩ, huấn luyện viên và bản thân vận động viên cũng như tiến độ của chương trình tập luyện”, bác sĩ nói.
Để phòng ngừa chấn thương cổ bàn chân, việc tầm soát và điều trị bệnh lý vùng này là rất quan trọng. Trong quá trình tập luyện phải chú ý tập đều về sức mạnh, sức bền, độ dẻo các nhóm gân cơ trước, sau, trong, ngoài và các cơ nội tại của bàn chân.
BS.CK2 Võ Phước Minh, Bệnh viện Gia An 115, cho biết nhiều chấn thương cổ – bàn chân không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động, mà có thể để lại hậu quả rất nặng nề nếu không được can thiệp sớm và điều trị hiệu quả. Trì hoãn điều trị khiến tình trạng tăng nặng, người bệnh bỏ lỡ cơ hội điều trị nội khoa, phải thực hiện các can thiệp sâu hơn như phẫu thuật và làm tăng thời gian để phục hồi, quay trở lại sinh hoạt thường nhật.
Khi có các chấn thương, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị, không nên chủ quan, lơ là, đặc biệt là tránh tự ý xoa dầu, cao nóng hoặc đắp thảo dược để trì hoãn việc đi khám.
Xử trí sơ cứu chấn thương tức thời bằng phương pháp RICE trong 48-72 giờ đầu sẽ hỗ trợ nhiều cho điều trị về sau, gồm:
R (rest): Nghỉ ngơi, dừng vận động vùng chấn thương.
I (ice): Chườm lạnh 5-10 phút vùng chấn thương, lặp lại 5-6 lần/ngày.
C (compression): Băng bó vùng chấn thương để giảm sự sưng và phù nề.
E (elevation): Nâng cao vùng chấn thương hơn mức tim để giảm chảy máu.
Lê Phương