Báo The Independent cho biết, các nước châu Âu tiếp tục mua dầu của Nga song không trực tiếp mà thông qua Ấn Độ. Khối lượng mua hàng là chưa từng có.
Châu Âu tăng mua dầu Nga thông qua Ấn Độ. (Nguồn: Alamy) |
Theo báo trên, nhập khẩu dầu từ Ấn Độ đã đạt mức kỷ lục và nguồn cung nhiên liệu thô cho nước này đã tăng hơn gấp đôi.
“Người tiêu dùng ở châu Âu có thể đã nhận được khối lượng xăng, dầu diesel, dầu hỏa và các sản phẩm dầu mỏ khác chưa từng có từ Nga qua Ấn Độ”, báo viết.
Nhà phân tích Matt Smith giải thích, New Delhi có thể mua dầu với giá thấp, lọc dầu tại các nhà máy lọc dầu và bán với giá thị trường.
Theo Bộ Tài chính Nga, tháng 12/2023, giá trung bình của loại dầu Urals xuất khẩu chính của nước này đã giảm 8 USD so với tháng trước, ở mức 64,23 USD/thùng. Mức chênh lệch so với giá dầu chuẩn Brent tăng lên 13,65 USD/thùng.
Tính trong năm 2023, giá dầu trung bình của Nga là 62,99 USD/thùng, trong khi con số của năm 2022 là 76,09 USD/thùng.
* Hôm 11/1, hãng tin RBK trích dẫn dữ liệu từ cơ sở dữ liệu thống kê ngoại thương của Mỹ cho biết, nước này nhập khẩu gần 10.000 thùng dầu thô của Nga – trị giá 749.500 USD, vào tháng 11/2023.
Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ vẫn cấp giấy phép đặc biệt cho phép một số giao dịch mua dầu từ Nga dù Washington mạnh mẽ đi đầu, tuyên bố cấm nhập khẩu dầu thô từ Moscow
Việc nhập khẩu lô dầu trong tháng 11 được cho là lần mua dầu đầu tiên của Mỹ trực tiếp từ Nga kể từ khi Washington áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu thô lên Moscow.
Trước đó, Washington vẫn tiếp tục mua hàng hóa từ nước thứ ba trong thời gian áp đặt lệnh cấm nhập dầu Moscow.
Theo báo cáo gần đây của Global Witness, dựa trên dữ liệu theo dõi tàu của Kpler, trong 3 quý đầu năm ngoái, Mỹ nhập khẩu 30 triệu thùng nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu của Nga.
Việc mua bán này được thực hiện thông qua cái mà cơ quan này gọi là “lỗ hổng lọc dầu”, cho phép dầu vào Mỹ sau khi được vận chuyển ra ngoài Nga và được tinh chế.
Ngoài lệnh cấm vận của Mỹ, dầu vận chuyển bằng đường biển của Moscow cũng phải chịu mức trần giá của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU).
Biện pháp này được đưa ra vào cuối năm 2022, cấm các công ty phương Tây cung cấp bảo hiểm và các dịch vụ khác cho những chuyến hàng dầu thô của Nga, trừ khi hàng hóa đó được mua ở mức giá bằng hoặc thấp hơn giới hạn giá 60 USD/thùng.
Nhóm cũng đặt ra các hạn chế tương tự đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Nga.