Châu Âu có thể bị bỏ lại trong cuộc đua sản xuất pin do không lường được sự cạnh tranh của Mỹ và chi phí nguyên liệu thô tăng cao.
Báo cáo kiểm toán có tên “Cần có động lực chiến lược mới” do Tòa án Kiểm toán châu Âu (ECA) vừa đưa ra kết luận rằng “EU có nguy cơ tụt lại phía sau trong nỗ lực trở thành cường quốc pin toàn cầu”.
Annemie Turtelboom, người đứng đầu cuộc kiểm toán này cho biết nếu không hành động, châu Âu có nguy cơ buộc phải hoãn lệnh cấm sử dụng phương tiện động cơ đốt trong sau năm 2035, hoặc tiếp tục thi hành và phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, nơi sản xuất 76% pin toàn cầu.
“EU không được rơi vào tình trạng phụ thuộc vào pin giống như với khí đốt tự nhiên”, ông đánh giá. Theo tác giả của nghiên cứu, đây không chỉ là vấn đề chủ quyền kinh tế.
Ngay từ năm 2008, EU đã nhìn ra nguy cơ phụ thuộc vào nguồn pin ngoài khối. Vì vậy, năm 2017, họ lên kế hoạch thành lập một liên minh sản xuất pin. Đến 2018, kế hoạch hành động được xác định. Kể từ đó, Ủy ban châu Âu đã triển khai và các dự án đang mọc lên khắp châu Âu. Họ thậm chí từng lo dư thừa sản xuất pin.
Báo cáo cũng chỉ ra năng lực sản xuất pin của EU đang phát triển nhanh chóng, với tiềm năng tăng từ 44 GWh vào năm 2020 lên 1.200 GWh vào năm 2030. Lượng pin này đủ để đáp ứng nhu cầu từ năm 2025 và trang bị cho 16 triệu phương tiện mỗi năm vào năm 2030 – nhiều hơn kỷ lục số phương tiện được đăng ký tại khối thời trước Covid-19.
Nhưng tất cả chỉ “nếu”. Các chuyên gia kiểm toán rất nghi ngờ về việc triển khai thực tế của các dự án đã công bố và chỉ ra một loạt trở ngại lớn.
Đầu tiên là sự phức tạp của các khoản trợ cấp. Chúng được đánh giá là khó diễn giải và thời gian chờ đợi quá lâu. Nhưng đây vẫn là thách thức dễ giải quyết nhất. Thứ hai là tốc độ thay đổi của thế giới mà châu Âu lại chậm thích nghi. Toàn bộ kế hoạch hành động về pin của EU được lập ra vào thời điểm năng lượng có giá cả phải chăng và không tính đến rủi ro có thể tăng cao.
Tuy nhiên, thuế năng lượng đã tăng 60% trong nửa đầu 2022, ảnh hưởng xấu đến một số dự án và không có phương án tài chính dự phòng nào cho trường hợp này. Trong khi các quốc gia khác đang tiến nhanh. Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ thông qua vào tháng 8/2022 trợ cấp cho pin “Made in USA” ở mức 45 USD mỗi kWh và 10% chi phí sản xuất các khoáng chất và vật liệu quan trọng. Cho đến nay, EU đã trợ cấp 1,7 tỷ euro, cộng thêm 6 tỷ euro từ các quốc gia thông qua các chương trình Dự án quan trọng vì lợi ích chung của châu Âu (IPCEI).
Thứ ba, thử thách chính mà Tòa án Kiểm toán Châu Âu nêu ra là quyền tiếp cận nguyên liệu thô, dù vấn đề này đã trở thành ưu tiên của Ủy ban trong năm nay. Bất chấp các cuộc đàm phán đang diễn ra và ký kết quan hệ đối tác chiến lược với một số quốc gia, EU vẫn thiếu các hiệp định thương mại tự do với các nhà sản xuất nguyên liệu thô hoặc tinh chế lớn nhất toàn cầu cho pin, đặc biệt là Trung Quốc (than chì tự nhiên thô, than chì tự nhiên, coban tinh chế, lithium, niken), Cộng hòa Dân chủ Congo (coban thô) và Australia (lithi thô).
EU cũng không có tầm nhìn rõ ràng về nhu cầu của mình. Theo báo cáo, đánh giá của Ủy ban châu Âu về các nguyên liệu thô quan trọng – dù mới cập nhật năm nay – vẫn không đầy đủ đối với nhu cầu coban thô, lithium thô, than chì tự nhiên tinh chế và không gồm việc sản xuất nguyên liệu đã qua xử lý (cực dương và cực âm).
Giá của tất cả nguyên liệu thô này đang tăng mạnh, kết hợp với giá năng lượng tăng cao, tạo thành một mối lo ngại thực sự. Vào cuối năm 2020, chi phí ước tính của một bộ pin được sản xuất ở châu Âu đã cao gấp đôi chi phí sản xuất một chiếc xe điện giá rẻ. ECA tự hỏi làm thế nào để ngành công nghiệp pin có thể cạnh tranh được. Đây là một câu hỏi thực sự cho chính sách công nghiệp pin của EU.
Phiên An (theo Le Monde)