Cơ duyên với loài nấm quý
Với điều kiện khí hậu, độ cao cũng như nhiệt độ lý tưởng, nghề nuôi cấy đông trùng hạ thảo tại TP Đà Lạt trong thời gian vừa qua đã mang lại nguồn lợi đáng kể cho người dân, doanh nghiệp địa phương.
Mặc dù hàm lượng dược chất trong đông trùng hạ thảo tại Đà Lạt chỉ đạt khoảng 60-70% so với đông trùng hạ thảo tự nhiên, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và mang lại sự yên tâm cho người sử dụng bởi nguồn gốc rõ ràng.
Có mặt tại xưởng nuôi cấy đông trùng hạ thảo của anh Nguyễn Xuân Quang, phóng viên được giới thiệu, đưa đến tham quan từng quy trình để làm ra những sợi nấm đông trùng hạ thảo. Toàn bộ các quy trình sản xuất nấm của anh Quang đều đảm bảo an toàn, được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Dẫn phóng viên xem những hũ đông trùng hạ thảo tươi đang sinh trưởng, anh Quang cho biết: “Cách đây khoảng 10 năm, gia đình tôi đã làm đông trùng hạ rồi. Thời điểm đó, thị trường không có nhiều và thị hiếu của người Việt Nam cũng có sự khác biệt.
Thời điểm đó, người Việt chỉ thích dùng đông trùng hạ thảo Tây Tạng, tuy nhiên hàng thật không nhiều, và cũng không dễ để phân biệt. Từ đó, chất lượng sản phẩm khi mua về không đảm bảo.
Sau đó, đông trùng hạ thảo Tây Tạng khan hiếm, bị đẩy giá lên rất cao đã thúc đẩy nghề nuôi cấy đông trùng hạ thảo ở Việt Nam phục hồi trở lại.
Trước năm 2013, tôi làm việc cho một công ty chuyên nuôi cá tầm tại huyện Lạc Dương. Sau đó tôi đã nghỉ việc, làm đông trùng hạ thảo vào năm 2013, được hơn 1 năm thì phải dừng lại, chuyển hướng qua làm nhiều công việc khác.
Mãi cho đến năm 2019, khi thị trường đông trùng hạ thảo nuôi cấy được phục hồi, nhu cầu của người tiêu dùng lên cao thì tôi đã quay trở lại làm nghề này”.
Anh Quang cũng cho biết, với sản lượng khoảng 700-800kg đông trùng hạ thảo các loại được làm ra mỗi năm, anh đang chế biến các sản phẩm như trà, mật ong, rượu, yến, cốm từ đông trùng hạ thảo. Bên cạnh đó, anh Quang còn liên kết với 4 hộ dân tại TP.Đà Lạt đặt cơ sở nuôi cấy đông trùng hạ thảo.
Quy trình khắt khe
Trao đổi với phóng viên, anh Lương Lê Quốc Chí – Phụ trách kỹ thuật trong trang trại nuôi cấy đông trùng hạ thảo của anh Quang cho biết, để tạo ra một sản phẩm đông trùng hạ thảo chất lượng thì phải đảm bảo các công đoạn: Tạo giống F0 ra F1, làm giống lỏng, cấy ra giá thể, ủ tơ, kích sáng, nuôi trồng và thu hoạch.
Toàn bộ quy trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo diễn ra trong khoảng từ 80-120 ngày. Nhiệt độ ở từng giai đoạn cũng phải duy trì khác nhau nhằm đảm bảo đông trùng hạ thảo phát triển tốt nhất.
“Từ giai đoạn tạo giống F0 ra F1, nhiệt độ phải duy trì trong khoảng -4 độ C, đến giai đoạn giống lỏng sẽ ở nhiệt độ phòng, cấy vào giá thể thì duy trì ở mức 24 độ C để ủ tối, khi kích sáng lại giảm nhiệt độ xuống từ 18 đến 20 độ C, độ ẩm từ 70-80%.
Riêng đối với đông trùng hạ thảo được làm từ giá thể nhộng tằm, chúng tôi phải có khu nuôi trồng nhộng riêng nhằm chọn những con nhộng to nhất, khỏe nhất.
Trong đó, con giống chất lượng là phải đủ ngày, không già quá, không non quá. Khi cấy con nhộng phải khô ráo nhất có thể. Những con nhộng nào bể, mềm là không thể thích ứng được điều kiện đặt ra, phải loại bỏ.
Sau khoảng 7-10 ngày mình sẽ đem ra kích sáng, nuôi như 1 giá thể đông trùng hạ thảo bình thường”, anh Lương Lê Quốc Chí giải thích.
Tuy nhiên, theo anh Chí, đông trùng hạ thảo nuôi cấy trong giá thể nhộng tằm sẽ rất dễ bị nhiễm các loại nấm mốc do hàm lượng dinh dưỡng rất nhiều.
Bên cạnh đó, những người bị dị ứng rất khó để sử dụng loại đông trùng hạ thảo nuôi cấy trên nhộng tằm. Khi nuôi cấy trên giá thể nhộng tằm, người nuôi sẽ phải mất từ 5-7% sản phẩm trên tổng sản lượng làm ra. Tuy nhiên, thời gian sản xuất loại đông trùng hạ thảo này chỉ mất khoảng 60 ngày do không mất thời gian làm giống.
Hiện nay, sản lượng đông trùng hạ thảo tại cơ sở của anh Quang sản xuất ra được đưa ra thị trường đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thông qua các đại lý trên toàn quốc.
Chính vì vậy, anh Quang và vợ đã quyết định thành lập Công ty TNHH Thiên Hương Phát Đà Lạt để thuận tiện cho việc cung cấp ra thị trường cũng như đăng ký sản phẩm OCOP.
Với 700-800kg đông trùng hạ thảo mỗi năm, anh Quang hiện đang bán loại khô với giá khoảng 35 triệu đồng/kg, đông trùng hạ thảo nuôi cấy trong nhộng tằm được bán với giá từ 80-100 triệu đồng/kg. Ngoài ra, đông trùng hạ thảo tươi cũng được bán cho người tiêu dùng với giá 250 ngàn đồng mỗi giá thể nuôi cấy trong hộp nhựa.
Đông trùng hạ thảo đã mang lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho vợ chồng anh Quang và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.