Mới đây, Lê Thanh Phong cùng các đồng nghiệp đã có một chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt trong khuôn khổ sự kiện Ngày Việt Nam tại Pháp 2023.
Trong chương trình này, anh biểu diễn tổ khúc dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh với các làn điệu: Ví đò đưa sông Lam, Tứ Hoa và Ví giận thương – dòng nhạc mà anh nghiên cứu và thực hành biểu diễn đã lâu.
Ấm tình Ví, Giặm
Thanh Phong cho biết: “Ví, Giặm là Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh. Tôi là người con xứ Nghệ, được khán giả biết đến nhiều khi hát Ví, Giặm nên càng mong muốn khán giả biết đến loại hình nghệ thuật này rộng rãi”.
Nghệ sĩ Lê Thanh Phong biểu diễn dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tại Pháp. (Ảnh: NVCC)
Cùng với những tiết mục hòa tấu nhạc vui tươi, lân sư rồng khí thế, thì phần trình diễn Ví, Giặm của Lê Thanh Phong mang đến cho khán giả một cung bậc cảm xúc khác.
Cả khán phòng như lắng lại, kìm nén sự xúc động khi nghe nam nghệ sĩ trẻ cất lên những điệu hát ân tình. Sau khi hát, Thanh Phong đã chia sẻ những cảm xúc của mình với khán giả một cách chân thành.
Nghệ sĩ bày tỏ: “Khi đến Pháp, tôi nhớ câu chuyện Bác Hồ ngày xưa ở Paris đã sưởi ấm bằng viên gạch hồng giữa mùa đông băng giá. Bác vẫn nhớ câu Ví, Giặm của bà cùng lời mẹ ru xưa giúp ấm lòng Người khi xa quê.
Hơn 100 năm sau, được hát câu Ví, Giặm giữa Paris giá lạnh, người con xứ Nghệ như tôi cảm thấy như vẫn có Bác hiện hữu nơi này”.
Nam nghệ sĩ 9X cho biết, anh thực sự xúc động vì sau buổi diễn có rất nhiều cô chú, anh chị khán giả đã đến bắt tay và ôm anh thật chặt.
Chị Vương Lan (nghiên cứu sinh tại Pháp) biết tin Thanh Phong qua biểu diễn nên đã thu xếp thời gian mặc cho đường xá xa xôi, đi mấy chuyến tàu để đến nghe hát và xem biểu diễn.
Có một khán giả lớn tuổi tên Vinh mang theo một chiếc máy quay phim khá to ghi lại chương trình, nói với Thanh Phong rằng, ở Pháp nghe nhiều dân ca Việt Nam và thuộc, biết rõ rừng làn điệu: “Cháu hát Tứ Hoa bồi hồi quá, chú vẫn hay nghe cháu hát Ví, Giặm thường xuyên”.
Thanh Phong nhớ lại sau đêm diễn, khi anh được Ban tổ chức đưa vào một nhà hàng Việt tại quận 13 ăn tối, vừa bước vào thì chị chủ quán đã nhận ra chàng nghệ sĩ trẻ và gọi to: “Chồng ơi! Con ơi! Ca sĩ Thanh Phong đây này!” và chạy tới ôm chầm lấy anh.
Chị cho biết: “Chị ngày nào cũng mở YouTube nghe em hát cho đỡ nhớ quê. 5 năm rồi mà vẫn chưa được về quê, chị nhớ nhà quá, nghe em hát, chị thấy đỡ buồn lắm Phong ạ”.
Đáp lại tình cảm của chị, Thanh Phong cất lên câu hát làn khuyên Nghệ Tĩnh: Anh ra đi đá mềm chân cứng, em ở nhà vẫn vững như đồng, dù gió bấc mưa đông em se tròn chiếu lại, con thuyền đạo nghãi vững tay lái đồng tâm…
Anh bồi hồi nhớ lại: “Ngoài trời mưa Paris giăng giăng giá lạnh, ở trong này tình người ấm biết bao!”.
Tự hào làm ngoại giao văn hóa
Nghệ sĩ Lê Thanh Phong hiện là Trưởng đoàn Dân ca xứ Nghệ UNESCO tại Hà Nội, biên tập viên của chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền VOV3 – Đài Tiếng nói Việt Nam.
Anh từng được trao giải Diễn viên xuất sắc tại Festival âm nhạc dân gian thế giới Uzbekitstan 2017, Bằng khen Liên hoan âm nhạc dân gian do Đài Truyền hình quốc tế Vân Nam, Trung Quốc năm 2019 và các Bằng khen “Vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc” do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trao tặng các năm 2018, 2019, 2020…
Không chỉ hát Ví, Giặm, trong Ngày Việt Nam tại Pháp 2023 vừa qua, Thanh Phong còn hỗ trợ các đồng nghiệp khác ở các phần trình diễn đánh đàn dân tộc, trình diễn áo dài.
Đặc biệt, khi biết Thanh Phong đang làm biên tập, dẫn chương trình dân ca và nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban tổ chức đã đề xuất anh dẫn chương trình nghệ thuật khai mạc cùng một MC tiếng Pháp.
Nhiệm vụ được giao khá bất ngờ, khiến Thanh Phong không khỏi hồi hộp, lo lắng, nhưng anh đã nhanh chóng lấy lại tự tin, hoàn thành nhiệm vụ một cách trôi chảy, ấn tượng.
Thanh Phong cho biết, anh đã có nhiều dịp biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật giao lưu văn hóa, quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Uzbekistan… Với anh, lần nào cũng đặc biệt, là niềm vinh dự và luôn tự nhủ cố gắng để hoàn thành tốt nhất.
Anh chia sẻ: “Mỗi lần có cơ hội lưu diễn ở nước ngoài là một lần mình được đến với nền văn hóa mới, mang giá trị di sản của dân tộc đến với miền đất khác, để quảng bá về đất nước, con người Việt Nam.
Những chuyến đi khiến tôi thêm vinh dự, tự hào là công dân Việt Nam, được sinh ra và lớn lên trong một quốc gia giàu bản sắc. Tôi thấy mình cần sống có trách nhiệm hơn với Tổ quốc và nghệ thuật dân tộc”.
Ngày Việt Nam tại Pháp năm 2023 do Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức. Đây là sự kiện nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) và 10 năm Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp (2013-2023). Với chủ đề “Văn hóa sẻ chia”, chương trình đã giới thiệu một không gian văn hóa, nghệ thuật và ẩm thực dân tộc phong phú và đa dạng, mang đến cho khách mời những ấn tượng mạnh mẽ về một Việt Nam tươi đẹp, thanh bình, mến khách, phát triển năng động, giàu truyền thống văn hóa, giúp Việt Nam đến gần hơn với bạn bè và người dân Pháp. |
Baoquocte.vn