Luôn sống trong lo sợ, không biết ngày mai ra sao
Theo ông Lê Long Sơn, Tổng giám đốc ESUHAI Group, người lao động (NLĐ) phải cân nhắc mặt lợi, mặt hại khi quyết định ra nước ngoài lao động bằng con đường hợp pháp hay bất hợp pháp.
Bởi ra nước ngoài lao động bất hợp pháp có nghĩa là kiếm tiền mà không khai báo, không đóng thuế, có thể bị xử lý theo pháp luật của nước sở tại khi bị phát hiện.
Từ thân phận bất hợp pháp dẫn đến việc NLĐ không có nhiều sự lựa chọn về nơi làm việc uy tín; thậm chí, một số trường hợp đáng tiếc còn bị dẫn dắt, lôi kéo vào những công việc vi phạm pháp luật.
“Như vậy, chỉ vì kiếm tiền mà phải làm việc bất hợp pháp. Ai cũng nghĩ đi làm để kiếm tiền chứ không ai muốn rơi vào tình cảnh như vậy cả. Chẳng qua, ngay từ đầu, một số người lỡ vay nợ để đi, áp lực kiếm tiền rồi bắt buộc phải làm những công việc bất đắc dĩ…”, ông Sơn chia sẻ thêm.
Nhiều người nghĩ đơn giản là đi làm kiếm tiền giúp đỡ gia đình, cũng cực khổ, vất vả nên không ý thức được đó là công việc bất hợp pháp. Về tình thì có thể cảm thông nhưng xét về mặt pháp luật thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho họ.
Theo ông Lê Long Sơn, với những người có mộng lớn xây dựng sự nghiệp lâu dài mà lựa chọn con đường đi làm bất hợp pháp ngay từ đầu là sai lầm. Vì chỉ cần xui rủi, bị chính quyền sở tại phát hiện thì coi như chấm hết.
“Để làm giàu, xây dựng sự nghiệp bền vững, 40-50 tuổi thành người thành đạt thì phải xây dựng nền tảng từ giai đoạn 20-30 tuổi, không phải bằng tiền mà là lý lịch rõ ràng, bằng cấp đầy đủ, kỹ năng tốt, kinh nghiệm nhiều, uy tín cao…”, ông Sơn chia sẻ.
Cho dù đi làm “chui” mà không bị phát hiện thì họ cũng phải chấp nhận sống bằng thân phận người khác, khó hòa nhập xã hội. Họ phải dùng giấy tờ giả để làm việc, cưới xin, sinh con, học hành, đi chữa bệnh…
Dù những hành vi trên trót lọt thì chi phí sinh hoạt của NLĐ vẫn cao hơn người đi nước ngoài lao động hợp pháp. Khi đó, họ càng có nhu cầu làm nhiều để kiếm nhiều tiền, dễ phát sinh chuyện phải làm những việc không tốt.
“Họ luôn sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ, không biết khi nào bị phát hiện. Việc này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, nuôi dạy con cái cũng không tốt, sống hôm nay không biết ngày mai ra sao”, ông Sơn cho hay.
Thậm chí, vì thân phận không được công khai, ở nhiều nước, họ không thể dùng tài khoản ngân hàng, chỉ giữ tiền mặt, hoặc phải gửi đâu đó, khả năng bảo vệ tiền kiếm được là rất thấp.
Ông Sơn chia sẻ kinh nghiệm: “Cuộc sống như vậy chỉ là chuỗi ngày tiêu phí chứ không phải là làm việc, tích lũy, chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai lâu dài…”.
Phạt nặng người làm “chui”
Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng ra nước ngoài lao động bất hợp pháp cần thực hiện đồng bộ 3 giải pháp là: tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; ngăn chặn những người làm dịch vụ đưa người ra nước ngoài lao động “chui”; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp làm tốt dịch vụ hợp pháp.
Công việc đầu tiên cần làm và triển khai liên tục, trên quy mô cả nước bằng nhiều hình thức là truyền thông những thông điệp đúng hướng để người dân hiểu rõ chương trình đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài hợp pháp, hạn chế người có nhu cầu đi làm “chui”.
Cần giúp NLĐ hiểu việc đi nước ngoài lao động không chỉ vì kiếm tiền giản đơn mà phải hướng đến mục tiêu lâu dài như: tích lũy tay nghề, ngoại ngữ, tác phong làm việc và khi trở về có thể phát triển sự nghiệp.
Thứ 2, trong khi nhận thức của NLĐ chưa kịp thời thay đổi, vẫn có nhu cầu ra nước ngoài lao động bằng con đường bất hợp pháp thì cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài, công cụ pháp lý để ngăn chặn những người làm dịch vụ này. Khi bị thiệt hại lớn vì sai phạm trên, người làm dịch vụ này sẽ hạn chế dần.
Cuối cùng, theo các chuyên gia, cần có chính sách ưu tiên, ủng hộ những doanh nghiệp làm tốt dịch vụ đưa NLĐ đi nước ngoài lao động hợp pháp, hạn chế những doanh nghiệp làm kém. Việc này sẽ giúp thị trường dịch vụ này minh bạch, phát triển theo hướng tích cực, NLĐ được lợi và “quay lưng” với các dịch vụ đưa người đi lao động bất hợp pháp.
Theo đó, cơ quan quản lý xây dựng một thang điểm và chế độ chấm điểm, xếp hạng các doanh nghiệp làm dịch vụ đưa NLĐ đi nước ngoài làm việc. Thang điểm có thể dựa trên các tiêu chí như: Uy tín doanh nghiệp; quy mô doanh nghiệp; tỷ lệ vi phạm của lao động như bỏ trốn, phạm pháp…
Hằng năm, sau khi xếp hạng thì cơ quan quản lý có chính sách khuyến khích những doanh nghiệp có thứ hạng cao phát triển, tiếp cận và hỗ trợ được nhiều NLĐ hơn. Đồng thời, những doanh nghiệp thứ hạng thấp cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn để hạn chế sai phạm.
Đủ mánh khóe lừa đảo
Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), vừa khuyến cáo NLĐ cẩn thận với các chiêu trò lừa đảo đưa đi nước ngoài làm việc.
Theo Cục này, gần đây có nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài nhưng sử dụng các website (www.nhatban24h.vn; www.xuatkhaulaodong-24h.com…) để quảng cáo dịch vụ này.
Các website trên đăng tải thông tin đơn hàng tuyển dụng lao động đi làm việc tại nhiều nước. Khi NLĐ đăng ký sẽ được giới thiệu qua các doanh nghiệp không được cấp giấy phép làm dịch vụ này. Có đối tượng lập website gần giống với website của doanh nghiệp có giấy phép để lừa đảo.
Các đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội (facebook, zalo) đăng tải hình ảnh đưa tiễn lao động tại sân bay, quá trình NLĐ làm việc ở nước ngoài… nhằm tạo uy tín.
Khi NLĐ liên hệ, các đối tượng gửi hình ảnh giấy tờ giả nhằm tạo lòng tin để NLĐ chuyển tiền, đóng phí… Khi đến thời hạn mà không được xuất cảnh, NLĐ liên hệ thì các tài khoản và số điện thoại trên sẽ khóa hoặc chặn liên lạc.
Ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, khuyến cáo NLĐ nên tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan trước khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài. Theo ông, NLĐ nên thực hiện 4 việc sau để tránh bị lừa đảo.
Thứ nhất, chủ động tìm hiểu thông tin về chính sách, quy định pháp luật về NLĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thông tin về cơ hội việc làm ở nước ngoài đối với ngành, nghề, công việc; yêu cầu đối với NLĐ về tay nghề, trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm làm việc… và các khoản chi phí phải chi trả theo quy định pháp luật.
Thứ 2, người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần trực tiếp liên hệ doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài do Bộ LĐ-TB&XH cấp. Danh sách các doanh nghiệp này được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn).
Thứ 3, NLĐ cần liên hệ với cơ quan lao động, chính quyền địa phương nơi mình thường trú để tìm hiểu thêm về thông tin liên quan đến doanh nghiệp đưa người đi làm việc ở nước ngoài, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của địa phương đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Cuối cùng, có bất cứ điều gì còn thắc mắc về chính sách đưa người đi làm việc ở nước ngoài, NLĐ có thể liên hệ trực tiếp đến Cục Quản lý lao động ngoài nước qua số điện thoại 024.38249517 (máy lẻ 512, 513) để được thông tin và tư vấn chi tiết.