Tôi 38 tuổi, gần đây nổi mụn nhiều ở mặt, gây mất tự tin. Tôi nghe nói thay đổi nội tiết làm da nổi mụn. Tôi cần làm gì để khỏi nhanh? (Ngọc Mỹ, Tiền Giang)
Trả lời:
Mụn nội tiết thường gọi chung là mụn trứng cá, xuất hiện do thay đổi các hormone trong cơ thể. Mụn nội tiết ảnh hưởng đến mọi nhóm tuổi, phổ biến vẫn là lứa tuổi dậy thì, phụ nữ trước và sau sinh, tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt. Đây là giai đoạn cơ thể có những thay đổi nhất định khiến nội tiết tố rối loạn, hình thành mụn nội tiết.
Môi trường có độ ẩm cao, làm đổ nhiều mồ hôi có thể khiến mụn nổi nhiều hơn. Để chăm sóc da từ bên ngoài, bạn rửa mặt không quá hai lần một ngày và sau khi đổ mồ hôi; sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ và nước ấm, không dùng nước nóng. Bạn tránh chà xát, nặn mụn vì gây viêm hoặc làm tình trạng nặng hơn; chọn các loại mỹ phẩm được đánh dấu không tạo nhân mụn. Các đồ dùng sinh hoạt trong nhà nên vệ sinh sạch sẽ.
Bạn lưu ý uống đủ nước mỗi ngày, từ 1,5 lít trở lên. Bác sĩ khuyến nghị người bị mụn do thay đổi nội tiết nên hạn chế trang điểm tối đa. Nếu có, bạn cần tẩy trang thật sạch để tránh cặn còn sót gây bít tắc lỗ chân lông. Các sản phẩm điều trị mụn có chứa BHA, AHA, Benzyl peroxide… có thể dùng. Kem dưỡng ẩm, chống nắng cần chọn loại có thành phần phù hợp. Không chạm tay lên mặt để tránh vi khuẩn xâm nhập vào da.
Để chăm sóc da từ bên trong, bạn nên ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, hạn chế thức khuya, tránh căng thẳng, áp lực. Bổ sung thực phẩm có chứa kẽm, vitamin C, B, E giúp da sáng khỏe, ăn nhiều rau xanh, trái cây. Thực phẩm ngọt, cay nóng, chiên rán, dầu mỡ, đồ uống có cồn… nên hạn chế. Các loại trà, thực phẩm thanh nhiệt, giải độc như trà xanh, trà atiso… có lợi cho da bị mụn. Người bệnh nên thăm khám với bác sĩ da liễu để được lên phác đồ điều trị phù hợp.
Lượng hormone trong cơ thể thay đổi có thể khiến tình trạng mụn trở nên nghiêm trọng hơn như: gây viêm da toàn thân, tăng tiết mồ hôi và bã nhờn từ các lỗ chân lông, tế bào da bị tắc trong nang lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn propionibacterium acnes phát triển gây mụn.
Mụn trứng cá ở giai đoạn mãn kinh hay tiền mãn kinh đều là một dạng của mụn nội tiết. Tất cả mụn trứng cá đều bắt nguồn từ lỗ chân lông bị tắc nhưng mụn ở tuổi thiếu niên và thời kỳ mãn kinh có sự khác biệt rõ rệt. Mụn trứng cá ở tuổi thiếu niên thường xuất hiện ở vùng chữ T (gồm trán, mũi và cằm). Mụn ở thời kỳ mãn kinh chủ yếu là mụn bọc, mụn đầu trắng hoặc nốt mụn dạng nang ẩn sâu dưới da.
Phụ nữ bị mụn trứng cá thời kỳ mãn kinh có thể do sự sụt giảm nồng độ hormone estrogen hoặc do gia tăng hormone androgen, nhất là testosterone. Trong một số trường hợp, mụn trứng cá xuất hiện ngay cả khi phụ nữ sử dụng liệu pháp thay thế hormone (HRT) để giảm bớt triệu chứng của giai đoạn mãn kinh. Loại hormone này có thể khiến lỗ chân lông giãn nở, tạo điều kiện cho bụi bẩn và vi khuẩn xâm nhập, hình thành mụn trứng cá.
Mụn trứng cá mức độ nhẹ chủ yếu là mụn đầu đen, đầu trắng. Mụn được phân loại nhẹ khi có ít hơn 20 bọc mụn, 15 tổn thương viêm hoặc ít hơn 30 mụn không viêm. Ở mức độ vừa, mụn có thể viêm hoặc không, để lại sẹo. Mụn được phân loại vừa khi có 20-100 mụn, 15-50 tổn thương viêm hoặc từ 30-125 tổng số tổn thương. Mụn trứng cá nặng thường bị viêm và để lại sẹo.
Mụn trứng cá có thể ảnh hưởng đến tâm lý. Ngay cả mụn trứng cá nhẹ cũng khiến người bệnh mất tự tin. Khi bị mụn nội tiết, người bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ da. Điều trị càng sớm, khả năng để lại sẹo càng ít, đồng thời ngăn mụn tái phát.
BS.CKI Võ Thị Tường Duy
Chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM