Tối 29/10, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tới dự và phát biểu tại Chương trình Lễ Vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động 2023”.
Người lao động là lực lượng trực tiếp tạo ra giá trị kinh tế, nuôi dưỡng doanh nghiệp
Bày tỏ vui mừng tham dự Chương trình, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương 64 doanh nghiệp được tôn vinh, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và người lao động, vì sự phát triển của cộng đồng, của cả nước.
“Đây là những doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho rất nhiều doanh nghiệp trên các lĩnh vực, ở mọi vùng miền, địa phương trên cả nước đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì và giữ được tăng trưởng ổn định trong bối cảnh kinh tế khó khăn sau đại dịch COVID-19, đồng thời thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; kết hợp hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp với quyền lợi của người lao động, tạo ra giá trị tích cực cho xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện nay, Việt Nam đã có gần 910 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 31 nghìn hợp tác xã và 5,5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp hơn 60% GDP cho đất nước.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Sự kiện hôm nay diễn ra trong thời điểm hết sức ý nghĩa khi Đại hội Công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2023-2028 đang được gấp rút hoàn thành, tiến tới Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII vào cuối năm nay, mở ra thời kỳ phát triển trong bối cảnh mới, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của đoàn viên, của người lao động, là cơ sở chính trị – xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước, qua đó góp phần tích cực trong việc thực hiện thành công Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Trong quá trình trưởng thành, phát triển của mỗi doanh nghiệp, người lao động chính là nguồn lực sản xuất, là yếu tố chủ chốt ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Người lao động là lực lượng trực tiếp tạo ra giá trị kinh tế, nuôi dưỡng văn hóa doanh nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển chung của doanh nghiệp. Người lao động cũng là một động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Do đó, việc chăm lo, bảo vệ và tạo ra phúc lợi lâu dài cho người lao động, xây dựng được mối quan hệ lao động ổn định, bền vững, tiến bộ cũng chính là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Để đạt được mối quan hệ hài hòa, ổn định, Phó Thủ tướng cho rằng, doanh nghiệp cần phải coi mỗi người lao động là tài sản vô giá của mình và mỗi người lao động cũng đều nhận thức đầy đủ trách nhiệm của bản thân với sự phát triển chung của doanh nghiệp.
Tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Thời gian tới, Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, tập thể lãnh đạo Chính phủ tiếp tục nhất quán quan điểm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Tiếp tục kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đây là mục tiêu lớn nhất và xuyên suốt chúng ta đã đạt được và sẽ tiếp tục phải giữ vững trong các năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiệm cận trình độ quốc tế đáp ứng yêu cầu của thị trường trong tình hình mới.
Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp, đồng chí Lê Minh Khái đề nghị tiếp tục xây dựng, triển khai hiệu quả phong trào thi đua học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học tập suốt đời trong công nhân lao động. Tăng cường các hoạt động tư vấn, tuyên truyền pháp luật để người lao động tuân thủ và hiểu biết pháp luật trong lao động, hỗ trợ kịp thời người lao động chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Cùng với đó, tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng, tham gia ý kiến với những người sử dụng lao động về bảo đảm duy trì việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định pháp luật.
Về phía các doanh nghiệp, cần bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động, tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Về phía người lao động, cần chủ động học tập, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, kỹ năng làm việc, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu môi trường lao động, môi trường làm việc trong tình hình mới. Hỗ trợ, đồng hành cùng chủ doanh nghiệp, doanh nghiệp để tạo ra nhiều giá trị kinh tế, duy trì mối quan hệ làm việc tích cực, đảm bảo môi trường làm việc lành mạnh.