Đó là thông điệp Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh khi phát biểu tại diễn đàn: Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2023 với chủ đề: Cuộc đua xanh toàn cầu từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức chiều 23.8, tại Hà Nội.
Mong doanh nghiệp “hiến kế” để hoàn thiện chính sách chuyển đổi xanh
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ghi nhận, qua các diễn đàn VCSF những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp có sự chuyển đổi từ nhận thức đến hành động khi Việt Nam đã có nhiều mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số thành công. Điều này cho thấy sự nhạy bén của doanh nghiệp Việt Nam trước xu thế phát triển của thời đại.
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất hướng tới phát triển bền vững. Khi hiện nay năng lực cạnh tranh, khả năng thu hút đầu tư không nằm ở lao động giá rẻ, chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ đất đai mà sự hấp dẫn đến từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp đứng trước những cơ hội để chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và quá trình này mang lại nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng có thách thức, rào cản đan xen.
Nếu doanh nghiệp chuyển đổi xanh để lợi ích gắn với lợi ích bền vững cộng đồng, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa… sẽ mang đến nhiều cơ hội tăng trưởng dài hạn, dẫn đầu và phát triển ngành nghề mới.
Ngược lại, chuyển đổi xanh cũng là thách thức, nếu chậm chuyển xanh, sản xuất không giảm phát thải, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rất nhiều hàng rào kỹ thuật xanh, khó thâm nhập thị trường.
Phó thủ tướng nhấn mạnh, cam kết thực hiện Net Zero vào năm 2050 là thách thức rất lớn đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Nhưng đây là thời điểm lịch sử và cơ hội để Việt Nam cùng hành động để thực hiện các mục tiêu toàn cầu; đồng thời là cơ hội để tái cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào tri thức, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong hoàn thiện thể chế để chuyển những thách thức, cũng như tận dụng cơ hội để đưa đất nước phát triển nhanh, phát triển bền vững”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Giúp nông dân tăng thu nhập từ thu mua bền vững
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, cho rằng trong giai đoạn hiện nay doanh nghiệp bắt buộc phải phát triển bền vững nếu muốn thành công và quá trình chuyển đổi, phát triển bền vững này sẽ mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Ông Binu Jacob dẫn chứng, để thực hiện cam kết thu mua cà phê bền vững, Nestlé Việt Nam đã triển khai chương trình canh tác cà phê bền vững Nescafé Plan tại các tỉnh Tây Nguyên từ năm 2011. Đến nay, chương trình đã hỗ trợ hơn 22.000 hộ nông dân thực hành sản xuất cà phê bền vững; triển khai tập huấn cho hơn 330.000 lượt nông dân, phân phối 63,5 triệu cây giống kháng bệnh, cho năng suất cao giúp tái canh diện tích cây cà phê già cỗi.
Chương trình góp phần giảm 20% lượng phân bón, tiết kiệm 40% lượng nước tưới, giúp nông dân tăng 30 – 100% thu nhập nhờ áp dụng các mô hình xen canh hợp lý.
Ngoài ra, chương trình này áp dụng công nghệ số hóa vào việc hỗ trợ phát triển và xây dựng công cụ nhật ký nông hộ, giúp người nông dân quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thông qua ứng dụng phần mềm, thay thế việc quản lý bằng giấy tờ.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD, cho rằng, các doanh nghiệp nên tập trung ưu tiên nguồn lực để thúc đẩy “chuyển đổi kép” chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh. Doanh nghiệp cần gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường.
“Đứng trước các yêu cầu về phát triển bền vững như hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp cần định nghĩa lại thành công của mình không chỉ là những con số tài chính mà còn bao gồm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ”, ông Vinh nói.