TPO - Việc các lãnh đạo cấp cao Việt Nam mời trà, dạo bờ hồ Hoàn Kiếm, tặng sách, tặng thư pháp… cho lãnh đạo các nước thể hiện sự quan tâm và tôn trọng đối với nền văn hóa khác, cũng như niềm tự hào và tự tin về bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngoại giao văn hóa giúp “cây” quyền lực mềm của Việt Nam ngày càng lớn mạnh, xòe tán rộng hơn…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nghe giới thiệu về trà đạo Việt Nam nhân chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Hà Nội tháng 12/2023. (Ảnh: TTXVN)
Các thành quả ngoại giao của Việt Nam năm 2023 trở thành điểm sáng trong thành tựu chung của đất nước. Ngoại giao văn hoá được coi là một vũ khí tâm công sắc bén, trở thành một trong ba trụ cột chính của chính sách đối ngoại Việt Nam, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Nhân dịp năm mới, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc trao đổi với PV Tiền Phong về những điểm nổi bật nhất của ngoại giao văn hóa năm qua. Năm 2023, Việt Nam khéo léo quảng bá quảng bá văn hóa đất nước qua các hoạt động đón tiếp lãnh đạo nước ngoài. Xin Thứ trưởng cho biết những ý tưởng đó đến từ đâu và thể hiện ý nghĩa gì? Thứ trưởng Hà Kim Ngọc :Văn hóa là con đường ngắn nhất từ trái tim đến trái tim, là nhịp cầu hữu hiệu kết nối với các dân tộc khác, thông qua việc chia sẻ những nét đẹp, giá trị và truyền thống của dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế. Mỗi ý tưởng, mỗi sự kiện ngoại giao văn hóa được tổ chức đều xuất phát từ tình yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào về văn hóa Việt Nam, với mong muốn thể hiện một hình ảnh Việt Nam thân thiện, hòa bình, hợp tác với các quốc gia trên thế giới, cũng như mong muốn chia sẻ những giá trị văn hóa của mình, và học hỏi, tôn trọng những giá trị văn hóa của các quốc gia khác.Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol dạo bờ hồ Hoàn Kiếm ngày 24/6. (Ảnh: Tiến Đạt)
Hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao Việt Nam không chỉ là những cuộc gặp gỡ chính trị, kinh tế, mà còn là dịp để thể hiện sự hiếu khách, thân thiện của người Việt Nam. Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thưởng thức trà, đàm đạo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol dạo bờ hồ Hoàn Kiếm; Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng thư pháp “Chân thành - Tình cảm - Tin cậy” cho Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng sách cho Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez… đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Việt Nam và các nước bạn. Việc tổ chức những sự kiện ngoại giao văn hóa và trải nghiệm gần gũi với văn hóa địa phương thể hiện sự kết nối và hiểu biết giữa Việt Nam và các quốc gia khác ở nhiều mặt. Trước hết, đó là sự quan tâm và tôn trọng của Việt Nam đối với các nền văn hóa khác, cũng như sự tự hào và tự tin về bản sắc văn hóa Việt Nam. Sự khám phá và tận dụng những điểm tương đồng cũng như sự đa dạng văn hóa giữa các quốc gia, góp phần tăng cường, thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc.Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc
Ngoại giao văn hóa thực sự là vũ khí tâm công sắc bén, góp phần hoàn thành các mục tiêu đối ngoại, đồng thời khiến các đối tác cảm phục khí phách, cốt cách của dân tộc ta. Từ đó, các đối tác tôn trọng, chia sẻ và ủng hộ đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, tự lực tự cường, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước ta.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng người đồng cấp Belarus Roman Golovchenko bên tách cà phê gần Cột cờ Hà Nội ngày 8/12. (Ảnh: Như Ý)
Trên phương diện quốc tế, Việt Nam sẽ cùng 20 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới tham gia đóng góp vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị của 1199 di sản thế giới (933 di sản văn hóa, 227 di sản thiên nhiên, 39 di sản hỗn hợp, 56 di sản ở tình trạng bị đe dọa); quản lý Quỹ di sản thế giới; có tiếng nói trong việc ghi danh các di sản thế giới mới, cũng như hỗ trợ các quốc gia châu Phi, các tiểu quốc đảo đang phát triển… xây dựng các hồ sơ di sản mà các quốc gia này đệ trình, qua đó, nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Về góc độ phát triển quốc gia, đây là cơ hội quý báu để ta quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; tích lũy, cập nhật các bài học hay, kinh nghiệm tốt trong công tác bảo tồn, quản lý, huy động nguồn lực, để phát huy giá trị các di sản thế giới của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh, góp phần phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự phát triển bền vững các địa phương.Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng Chủ tịch Quốc hội Chính quyền Nhân dân nước Cộng hòa Cuba Esteban Lazo Hernandez. (Ảnh: TTXVN)
Tới đây, vào tháng 10/2024, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ cùng tổ chức UNESCO và tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị lần thứ 8 các Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự kiện dự kiến có sự tham gia của Lãnh đạo UNESCO, các đại sứ, chuyên gia và đại diện các địa phương có công viên địa chất của 44 quốc gia trong khu vực. Đây có thể sẽ là hoạt động ngoại giao văn hóa có quy mô lớn nhất mà Việt Nam sẽ đăng cai trong năm 2024. Cảm ơn Thứ trưởng.Tienphong.vn
Source link
Bình luận (0)