Bệnh do não mô cầu xuất hiện rải rác trong năm, triệu chứng dễ nhầm lẫn khiến điều trị muộn, có thể để lại di chứng nặng nề.
Giữa tháng 6, Ngọc Anh (5 tháng tuổi) được người nhà đưa đến bệnh viện điều trị trong tình trạng sốt cao 40 độ C, li bì, bỏ bú, co giật, trên da xuất hiện một số nốt ban xuất huyết đỏ hình sao.
Người nhà cho biết bé có triệu chứng sốt cao, phát ban đỏ cách nhập viện hai ngày. Gia đình cho rằng con mắc bệnh sốt xuất huyết nên tự mua thuốc điều trị. Đến khi bệnh không thuyên giảm, gia đình mới cho bé đi bệnh viện. Bé chưa đủ ngày tuổi để được tiêm vaccine phòng bệnh.
Bác sĩ Phan Thị Thu Minh, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết não mô cầu khuẩn là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền chủ yếu theo đường hô hấp và gây các bệnh: viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm khớp, viêm tai giữa, viêm ngoài màng tim… Trong đó viêm màng não và nhiễm khuẩn huyết là hai bệnh cảnh thường gặp và nguy hiểm nhất có thể dẫn tới tử vong chỉ trong vòng 24 giờ. Nếu qua khỏi, trẻ vẫn có thể đối mặt phải chịu những di chứng nghiêm trọng như cắt bỏ chi, ngón tay, ngón chân hoặc tổn thương não, giảm thính lực…
Người nhiễm vi khuẩn gây viêm màng não mô cầu thường có các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cứng cổ, xuất hiện những nốt tử ban hình sao trên da sau khi sốt 1-2 ngày… Sự xuất hiện của các nốt tử ban, nhất và vùng thân mình và hai chân là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đang bị nhiễm độc nặng và đang phải đối mặt với biến chứng của nhiễm độc do viêm màng não mô cầu. Ca mắc thường tập trung vào mùa thu, đông và xuân. Mặc dù mùa hè không phải mùa của bệnh viêm màng não, song ca bệnh vẫn xuất hiện rải rác, lẫn trong hội chứng viêm màng não mủ.
Mọi người đều có khả năng mắc não mô cầu, tuy nhiên trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Nhiều ca bệnh phát hiện muộn, nhập viện khi đã ở tình trạng nặng do nhầm lẫn triệu chứng bệnh với cảm cúm hoặc sốt xuất huyết.
Ví dụ đầu tháng 6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bắc Ninh ghi nhận 2 ca mắc não mô cầu ở huyện Yên Phong. Bệnh nhi gồm nam 4 tuổi, nữ 9 tuổi, là chị em trong cùng một gia đình, chưa được tiêm vaccine phòng não mô cầu. Cuối tháng 5, trẻ có triệu chứng sốt, đau đầu, ho, chảy nước mũi, được phòng khám kê thuốc nhưng không đỡ.
Sau đó, các trẻ có ban xuất huyết hoại tử rải rác toàn thân, kèm theo đau nhức, phải chuyển điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Đến nay, tình trạng sức khỏe của 2 bé ổn định, chưa ghi nhận ca bệnh tương tự.
Theo CDC Bắc Ninh, bệnh do não mô cầu có tỷ lệ biến chứng và tử vong cao (tỷ lệ biến chứng 10-20%, tử vong từ 8-15%), tỷ lệ người mang vi khuẩn không triệu chứng từ 5-25%. Bệnh có khả năng lây lan thành dịch, vì vậy đã giám sát, triển khai các biện pháp phòng dịch ngay khi có ca bệnh.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết việc phòng các bệnh viêm não mô cầu rất quan trọng để giảm thiểu tỷ lệ mắc. Các biện pháp được khuyến cáo gồm vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên; sát khuẩn họng, miệng; ăn uống đủ dinh dưỡng, tập thể dục để cải thiện sức khỏe cơ thể; thường xuyên vệ sinh nơi ở và nơi làm việc. Người dân cần đi khám khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Đối với những người đã tiếp xúc nguồn bệnh, bác sĩ có thể chỉ định dự phòng bằng thuốc.
Để phòng bệnh, biện pháp hiệu quả, chủ động là tiêm chủng. Vi khuẩn gây bệnh có 13 nhóm khác nhau, trong đó thường gặp là A, B, C, X, Y, Z và W135. Hiện đã có vaccine dự phòng cho nhóm A, C, Y và W135, chỉ định cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Bác sĩ Chính khuyến cáo gia đình cần hiểu tầm quan trọng của vaccine để cho con tiêm chủng sớm.
Tại VNVC đang các loại vaccine như: Prevenar 13 (Bỉ) và Synflorix (Bỉ) phòng ngừa các bệnh do phế cầu khuẩn; VA-Mengoc-BC (Cu Ba) và Menactra (Mỹ) phòng các bệnh do não mô cầu khuẩn; 6 trong 1 Hexaxim (Pháp) và Infanrix Hexa (Bỉ), Quimi-Hib (Cu Ba) phòng các bệnh do vi khuẩn Hib. Tất cả các vaccine được chứng minh hiệu quả, an toàn, tạo miễn dịch chủ động cho phổi, hệ hô hấp, tránh đồng nhiễm nhiều bệnh, giảm diễn tiến nặng và tử vong.
Chi Lê