Bộ Giáo dục và Đào tạo phát đi cảnh báo sau khi quyết định phê duyệt sách giáo khoa có môn tiếng Trung Quốc lớp 3, 4 bị xuyên tạc, gây hoang mang trên mạng xã hội.
Tối 5/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay đã ra quyết định phê duyệt sách giáo khoa tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4, cùng một số sách giáo khoa khác để sử dụng cho năm học 2024-2025.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình năm 2018), Ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Ngoài tiếng Anh, trong danh mục môn Ngoại ngữ còn có tiếng Trung, Đức, Nhật, Hàn, Pháp, Nga.
Năm 2022, Bộ đã phê duyệt sách giáo khoa lớp 3 môn tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Pháp. Tháng 12 năm nay, Bộ phê duyệt sách giáo khoa tiếng Trung Quốc lớp 3, 4 và sẽ phê duyệt sách giáo khoa các môn còn lại trong thời gian tới.
Tuy nhiên, sau khi quyết định được ban hành, mạng xã hội xuất hiện các thông tin cho rằng Bộ vừa bỏ tiếng Anh ra khỏi môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, liền đưa tiếng Trung Quốc vào chương trình lớp 3, lớp 4.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định những bình luận lệch lạc này gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng tiêu cực tới chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa và nỗ lực dạy, học môn Ngoại ngữ trong trường phổ thông. Bộ đề nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý hành vi sai phạm trên.
Ngoài ra, khi thông tin lan truyền, nhiều phụ huynh thắc mắc liệu tiếng Trung có phải môn học bắt buộc từ lớp 3 hay không. Theo hướng dẫn của Bộ, các trường dựa trên điều kiện thực tế và nhu cầu của học sinh, phụ huynh, chọn một trong số các ngoại ngữ nói trên để giảng dạy.
Chương trình môn Ngoại ngữ ở phổ thông có thời lượng 1.155 tiết. Trong đó, cấp tiểu học 420 tiết (4 tiết/tuần), cấp THCS có 420 tiết (3 tiết/tuần), còn ở THPT, học sinh học 315 tiết (3 tiết/tuần).
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tiếng Nhật, Hàn Quốc hiện được dạy chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM, tiếng Trung được dạy ở một số thành phố lớn, địa phương biên giới.
Bình Minh