TP HCMĐường sắt bổ sung nhiều đoàn tàu, các nhà xe lớn cũng tăng cường phương tiện về miền Trung dịp Tết, song vé giường nằm nhiều chặng đã hết do nhu cầu đi lại lớn.
Chiều 22/1, nhà xe Chín Nghĩa thông báo tuyến TP HCM đi Quảng Ngãi ngày 24-28 tháng chạp (3-7/2) không còn vé giường nằm và xe chất lượng cao limousine, chỉ còn ghế ngồi. Hãng này bán vé ở quầy 119 trong bến Miền Đông mới, TP Thủ Đức. Hiện, khách chủ yếu đến nơi đây hỏi mua đi trong ngày, hoặc tới nhận vé và thanh toán sau khi đặt online. Một số khách tới trực tiếp hỏi vé giường nằm những ngày giáp Tết nhưng chỉ nhận được lắc đầu từ nhân viên quầy vé.
“Không tìm được vé như ý định nên tôi đành mua ghế ngồi về Quảng Ngãi với mức giá hơn 750.000 đồng, dù biết đường xa hành trình sẽ rất vất vả”, anh Bùi Tuấn, 38 tuổi nói và cho biết bản thân chọn xe khách về quê vì vé máy bay, tàu hoả đều quá đắt so với túi tiền, trong khi chỉ còn gần một tháng đến Tết nên thời điểm này cũng không dễ mua.
Đại diện hãng xe Phương Trang cũng cho biết doanh nghiệp bắt đầu nhận đặt chỗ cho khách đi lại dịp Tết từ cuối tháng 11/2023. Nhưng do nhu cầu đi lại tăng gấp 2-3 lần ngày thường nên chỉ gần một tuần, vé đều đã có người đặt.
Đến nay, hãng đã ba lần tăng cường phương tiện với khoảng 160 ôtô giường nằm, ưu tiên các tuyến từ TP HCM về miền Trung như Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… Dù vậy, những ngày cao điểm vé cũng đã bán hết. Doanh nghiệp đang lên kế hoạch điều động xe các tuyến ít khách qua chặng nhiều nhằm phục vụ nhu cầu đi lại dịp Tết.
Tương tự, một số hãng xe khác như Bình Tâm, Thành Ban, Thuận Thảo… hoạt động các tuyến từ TP HCM đi Quảng Ngãi, Tuy Hoà (Phú Yên), phần lớn chỉ còn vé giường nằm những ngày thấp điểm.
Ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Ban quản lý bến xe Miền Đông mới, cho biết tổng số chỗ các đơn vị vận tải ở bến cung ứng trong 10 ngày trước Tết khoảng 87.000, hiện đã bán hơn 39.000, phần lớn là vé giường nằm. Trong đó, những ngày cao điểm 24-28/12 Âm lịch, một số chặng “nóng” về miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên… vé giường nằm không còn do nhu cầu rất lớn. Ngoài thời gian này, các ngày 20-23 tháng Chạp và hai ngày giáp Tết, đơn vị vận tải còn nhiều chỗ giường nằm phục vụ khách.
“Riêng xe ghế ngồi vẫn còn rất nhiều vé, đảm bảo an toàn, tiện nghi do thời gian qua doanh nghiệp tập trung đầu tư nâng chất lượng. Hành khách có thể yên tâm mua vé”, ông Hải nói, khuyến cáo khách nếu đi ngoài bến nên nắm thông tin, tham khảo giá để tránh tình trạng bị nâng khống, vé giả, chất lượng không được kiểm soát.
Hiện, trong dịp Tết doanh nghiệp hoạt động tại bến xe Miền Đông mới được tăng giá vé 20-60% so với ngày thường bù chiều ôtô chạy rỗng. Để tránh tình trạng giá vé bị nâng cao hơn quy định, bến yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết giá cước tại quầy để các cơ quan chức năng kiểm soát. Bến xe cũng vận hành đường dây nóng xuyên Tết tiếp nhận thông tin phản ánh, khiếu nại của hành khách.
Đối với đường sắt, vé tàu Tết các chặng từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai về miền Trung cũng căng thẳng khi hầu hầu hết các đoàn tàu đã kín chỗ những ngày cao điểm. Sau khi mở bán từ giữa tháng 10/2023, ngành đường sắt đã ba lần tăng cường các đoàn tàu với khoảng 14.000 chỗ trên nhiều chặng từ phía Nam về Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Vinh, Hà Nội…
Tuy nhiên, từ 22 tới 28 tháng Chạp, các toa giường nằm hầu như đã hết vé, chỉ còn ghế ngồi mềm, ghế phụ. Hiện, vé chỉ còn nhiều trong thời gian thấp điểm từ 22 tháng Chạp về trước và hai ngày giáp Tết.
Trước đó, trong kế hoạch phục vụ dịp Tết, ngành đường sắt dự kiến cung ứng khoảng 200.000 vé. Đến ngày 19/1, số vé bán ra được công bố đã vượt kế hoạch này, lên 207.000. Nhiều tuyến “cháy vé”, các chuyến tàu được tăng cường nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng do nhu cầu đi lại tăng cao. Tuy nhiên, đại diện Công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết ngoài ghế ngồi mềm vẫn còn, nhiều đoàn tàu được bổ sung ghế phụ nên hành khách vẫn có thể theo dõi và đặt mua.
Giá vé tàu Tết năm nay tăng 1-4% so với năm trước. Trong đó, chặng đông khách TP HCM – Hà Nội giá cao nhất khoảng 2,9 triệu đồng, thấp nhất 1,9 triệu đồng mỗi vé, tăng so với trước do ảnh hưởng giá nhiên liệu cùng chi phí đầu vào. Riêng chiều ít khách, giá vé giảm 1-8% so với năm ngoái. Hiện, ngành đường sắt giảm 3% giá vé cho các tàu xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 29/12 tháng Chạp và đi từ 1.000 km trở lên; giảm 2-8% giá vé cho tập thể từ 10 người trở lên; sinh viên được giảm 20% giá vé…
Theo ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải TP HCM, dịp Tết Nguyên đán năm nay các bến xe liên tỉnh thành phố dự kiến phục vụ gần 72.000 khách mỗi ngày, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách trên tương đương khoảng 3.030 chuyến xe phục vụ mỗi ngày. Các bến đã chuẩn bị phương án tăng cường, không để thiếu xe và sẵn sàng giải toả nếu người đi tăng đột biến.
Ngoài kiểm soát giá vé, tài xế, giữa các đầu bến phía TP HCM và các tỉnh, thành khác cũng sẽ cập nhật tình hình giao thông, chuẩn bị kịch bản điều tiết nếu xảy ra ùn tắc trên hành trình đón khách. Bên cạnh đó, để phục vụ người dân đi lại, vui chơi dịp Tết, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố tăng xe buýt đến các khu giải trí và các bến liên tỉnh nhằm giải toả khách khi xảy ra ùn ứ.
Gia Minh