Sâm Việt Nam (SVN) có tên khoa học là Panax Vietnamensis Ha & Grushv. là 1 trong 12 loài thuộc chi nhân sâm (Panax), họ ngũ gia bì (Araliaceae) được phát hiện lần đầu trong tự nhiên ở vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam vào năm 1973 và được chính thức ghi nhận đầy đủ về mặt định danh thực vật học năm 1985.
Cho đến nay, sâm Việt Nam đã được phát hiện ở rất nhiều địa phương khác nhau. Ngoài Quảng Nam và Kon Tum, còn có Lâm Đồng, Lai Châu…
Đến nay, ở Việt Nam đã thu thập và xác định được có 3 thứ Panax Vietnamensis, gồm: Sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, sâm Langbiang.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng sâm Việt Nam có thành phần hóa học và tác dụng dược lý tốt và không thua kém gì so với các loài sâm quý khác trên thế giới.
Là loài đặc hữu, một dược liệu rất quý hiếm của đất nước, nên sâm Việt Nam đã được Chính phủ đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia từ năm 2017. Đây là một thuận lợi lớn cho việc phát triển những sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho con người và những sản phẩm từ sâm Việt Nam có khả năng cạnh tranh tại trị trường trong nước và quốc tế.
Đến nay, sâm Việt Nam đã được nhân giống, trồng và phát triển thành công để phục vụ việc phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho người Việt Nam, đã có những đóng góp cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội một số địa phương, điển hình như Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.
Tại Hội thảo khoa học “Tiêu chuẩn chất lượng dược liệu sâm (Panax spp) và sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ sâm” do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN đã có sự đầu tư, quan tâm nhất định cho sâm Việt Nam, thể hiện qua việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sâm Ngọc Linh, triển khai các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu về sâm Ngọc Linh tại Kon Tum, hỗ trợ kiểm chứng chất lượng sâm, cũng như hoạt động quản lý nhà nước để bảo đảm chất lượng sâm, chống hàng giả, hàng nhái, đưa sâm Việt Nam vào danh mục sảm phẩm quốc gia để ưu tiên nghiên cứu phát triển…
Những năm gần đây, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Hàn Quốc, VKIST đã bước đầu thành công trong chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là hướng đến công nghệ chiết xuất dược liệu với hàm lượng cao.
Hội thảo đã để đưa những giải pháp công nghệ tốt nhất, bài học hữu ích nhất của sâm Hàn Quốc đến với Sâm Việt Nam. Thông qua đó, tạo ra các dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, các dự án hợp tác sản xuất.
Nhiều chuyên gia cho rằng, muốn sâm Việt Nam có thể cạnh tranh được với các loài sâm khác trên thị trường thì cần phải có những tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng, hiện đại và tin cậy.
Nguồn: https://baodantoc.vn/can-xay-dung-tieu-chuan-chat-luong-cho-cay-sam-viet-nam-1719563615292.htm