Tham gia buổi làm viêc có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cùng lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe đại diện lãnh đạo các địa phương vùng Tây Nguyên báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đến giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 trên địa bàn các tỉnh và cả Vùng Tây Nguyên.
Các báo cáo khẳng định, Tây Nguyên có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế như: Du lịch gắn với văn hóa bản sắc dân tộc, nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, năng lượng tái tạo, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxite… Tuy nhiên, phát triển vùng vẫn còn những mặt hạn chế như: Các chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường của vùng đạt kết quả còn khiêm tốn so với cả nước.
Phát triển kinh tế chưa có tính đột phá, các ngành kinh tế trọng điểm đóng góp chưa rõ nét; tăng trưởng về nông nghiệp, lâm nghiệp chưa thật sự bền vững; phát triển công nghiệp – xây dựng còn thấp; hệ thống thông tin kết nối chưa đồng bộ, nguồn nhân lực chưa được huy động và sử dụng hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, đời sống, thu nhập của người dân trong vùng còn nhiều khó khăn, chậm được cải thiện…
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc đang hiện hữu, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cho rằng, với vị thế chiến lược đặc biệt, Tây Nguyên cần có cơ chế đặc thù để vùng phát huy thế mạnh, thoát khỏi vùng trũng của cả nước.
Tây Nguyên được xác định là vùng đặc biệt, do đó cần có cơ chế đặc biệt là nội dung đáng chú ý được nêu ra tại buổi làm việc.
Tại hội nghị, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, “Tây Nguyên rất cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho vùng; ưu tiên các chính sách về nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng, đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, mang tính chiến lược cao. Đề nghị Trung ương quan tâm có cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, đầu tư trong các lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của vùng. Có chính sách đặc thù hỗ trợ đối với các nghệ nhân trong khu vực nhằm động viên, khích lệ để họ tiếp tục cống hiến trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Tiếp tục quan tâm, có chính sách phù hợp nhằm giải quyết vấn đề thiếu đất, thiếu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số của vùng Tây Nguyên.”
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các địa phương cần có cái nhìn mới, tìm kiếm không gian phát triển mới cho Tây Nguyên.Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Tây Nguyên đang là không gian sôi động. Các doanh nghiệp khắp nơi đang tìm đến Tây Nguyên để đầu tư.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu,“Tây Nguyên có nhiều sản phẩm quốc gia, nên các địa phương cần có tự hào. Nghề truyền thống từ ngàn đời của bà con là sống với rừng, thu hái dược liệu, việc phát triển dược liệu dưới tán rừng không chỉ tại sinh kế, các tỉnh Tây Nguyên nên nghĩ đến việc phát triển công nghiệp dược liệu dưới tán rừng, từ đó phát triển du lịch, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Không gian kinh tế của Tây Nguyên còn rất nhiều, tích hợp đa tầng giá trị trên một diện tích như kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch, nông nghiêp với năng lượng…”
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng các địa phương cần kích hoạt văn hóa để làm kinh tế, tạo ra nguồn vốn “Tây Nguyên còn đậm đặc giá trị văn hóa, nhưng chúng ta chưa biết kích hoạt. Tư duy đơn ngành đang làm khó khăn các địa phương, muốn liên kết vùng thì phải liên kết ngành, các tỉnh phải ngồi lại với nhau. Nghiên cứu lập hội đồng doanh nghiệp vùng Tây nguyên, cơ chế đặc thù thu hút đầu tư”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, khẳng định những ý kiến tại hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để Tiểu ban kinh tế -xã hội (Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng) có cơ sở xây dựng báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Phó Thủ tướng đồng thời biểu dương những nỗ lực cố gắng của các tỉnh Tây Nguyên trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, chăm lo đời sống cho Nhân dân và đảm bảo quốc phòng an ninh.
“Tây Nguyên đang còn nghèo nhưng rất nhạy cảm, rất khó thu hút nguồn lực ngoài nhà nước. Do đó, Trung ương sẽ có cơ chế đặc thù để phát triển vùng Tây Nguyên. Dư địa, tiềm năng Tây Nguyên còn rất nhiều nhưng cơ chế chưa có hoặc có nhưng chưa tới. Do đó cần có cơ chế đặc thù để Tây Nguyên phát triển bền vững, trong đó ổn định là tiêu chí hàng đầu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận 7 nhóm vấn đề mà hội nghị tập trung trao đổi và đề nghị các địa phương vùng Tây Nguyên tiếp tục có ý kiến bằng văn bản nhất là những đề xuất các chính sách đặc thù gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Trung ương.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/can-xay-dung-co-che-dac-thu-cho-vung-tay-nguyen.html