Như Thanh Niên thông tin, mới đây dư luận xôn xao khi chị G.N.N đăng tải lên mạng xã hội bài viết có nội dung con trai chị đã có “trải nghiệm kinh hoàng” tại khóa tu mùa hè ở chùa Cự Ðà. Theo đó, sau 5 ngày theo khóa tu, chị G.N.N phát hiện tay con bị sưng to. Gặng hỏi thì mới biết con bị bạn dùng ghế gỗ đập mạnh vào đầu và tay.
Chị G.N.N cho rằng ban tổ chức khóa tu ở chùa Cự Ðà đã làm việc tắc trách với các tu sinh khi cho gần 600 con người tu tập trong không gian nhỏ; điều kiện tắm rửa, sinh hoạt thiếu thốn. Do đó, chị G.N.N đã lên tiếng cảnh báo các bậc phụ huynh hãy cân nhắc nếu có ý định đăng ký cho con theo khóa tu ở chùa Cự Ðà.
Bà Phạm Thị Lương Duyên, Phó chủ tịch UBND xã Cự Khê, cho biết sau khi nắm bắt được thông tin, UBND H.Thanh Oai đã cử đoàn công tác xuống chùa để kiểm tra. Trước đó, phía nhà chùa đã có tờ trình gửi UBND xã Cự Khê về việc tổ chức khóa tu mùa hè năm 2023. Nội dung tờ trình thể hiện trong mùa hè sẽ tổ chức 10 khóa tu.
“Khóa tu có con chị G.N.N theo học là khóa tu thứ 2. Phía xã đã yêu cầu tạm dừng khóa tu thứ 3, đồng thời làm báo cáo vụ việc gửi UBND H.Thanh Oai xin ý kiến chỉ đạo. Nếu phía huyện chấp thuận thì sẽ cho nhà chùa tiếp tục tổ chức các khóa tu còn lại; nếu huyện không chấp thuận sẽ yêu cầu dừng luôn”, bà Duyên chia sẻ thêm.
Ai kiểm tra, giám sát các khóa học này?
Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BÐ) Tất Huyền nêu ý kiến: “Các khóa tu này chỉ nên dành cho lứa tuổi sinh viên thôi, các con còn nhỏ làm sao tự lo được, chưa kể số lượng lại đông như vậy. Cần phải coi lại những khóa tu như vầy, cơ sở vật chất có đủ điều kiện không, nhân lực có kham nổi số lượng người đông như vậy không”.
BÐ Hiếu Nguyễn đặt vấn đề: “Những khóa tu mùa hè chất lượng ra sao, đã xin phép hay chưa và cơ sở vật chất đã được cơ quan chức năng kiểm tra chưa? Việc một chương trình lớn như vậy đòi hỏi sự chuẩn bị rất nhiều khâu, đâu thể nhắm mắt làm đại rồi ảnh hưởng đến danh tiếng, khiến mọi người có cái nhìn tiêu cực đối với những khóa tu dù mục đích ban đầu của nó rất ý nghĩa”.
“Tổ chức trại hè cho các em mà thiếu các tiêu chuẩn về an toàn, quy tắc làm việc… thì có ngày cũng gây họa lớn. Hơn nữa, còn gây ảnh hưởng uy tín đến cơ sở tôn giáo”, BÐ Quoc Chinh cảnh báo.
Cần có những quy định cụ thể
Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần có các quy định cụ thể cho những khóa tu mùa hè như thế này.
“Phát huy vai trò của gia đình, xã hội trong xây dựng văn hóa, con người VN. Ðiều đó có nghĩa rằng gia đình là đầu tiên, là một trong những yếu tố đầu tiên quyết định đến nhân cách của con trẻ. Chùa là cơ sở thờ tự của tôn giáo như mọi cơ sở của các tôn giáo khác, chỉ tham gia mang tính xã hội vào một mặt đời sống tinh thần của con người (tâm linh). Nhưng cuộc sống của các cháu cần nhiều điều hơn thế. Thiết nghĩ nhà nước cần có các quy định về các khóa tu tập này, cụ thể như: Nơi ăn, ở, sinh hoạt học tập của các cháu ở chùa ra sao? Ai quản lý, những người quản lý ở đó phải có những yêu cầu gì? Tổ chức, cá nhân nào được tổ chức các hoạt động đó? Cần nhận thức rõ rằng các em sinh hoạt hè ở chùa là để hiểu và thực hành được triết lý nhân sinh tốt đẹp”, BÐ K.M góp ý.
BÐ Mộng Hùng nêu quan điểm: “Cần có những quy định cụ thể hơn đối với những khóa tu như thế này, không nên theo hình thức tự phát. Những vấn đề về chất lượng, cơ sở vật chất cũng phải đảm bảo, chứ không phải biến một khóa tu trở thành cơn ác mộng của trẻ. Như vậy sẽ làm mất đi giá trị vốn có của nó”.
“Việc tu tập là nhu cầu của một bộ phận người dân, nhưng quản lý thế nào là trách nhiệm của cơ quan chức năng. Những trường hợp tổ chức tùy tiện cần chấn chỉnh kịp thời. Mong cơ quan chức năng có những quy định cụ thể cho các hoạt động của những khóa tu mùa hè”, BÐ Trúc Nhân đề nghị.
* Tôi thấy chỉ nên áp dụng chương trình tu tập thế này cho các bạn học cấp 3 hoặc sinh viên, chứ các bé còn nhỏ quá thì việc tiếp thu hay tự lo cho bản thân cũng sẽ có nhiều hạn chế.
Ngọc Nam