Rất cần sự quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội Phạm Quang Thanh, thời gian qua mô hình điểm sinh hoạt văn hóa công nhân (SHVHCN) đã phát huy được tính thiết thực, hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đoàn viên, góp phần tái tạo sức lao động, nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, phát triển cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn cho thấy một số tồn tại, hạn chế, trong đó các điểm SHVHCN mặc dù đã thu hút được sự tham gia của công nhân, người lao động, nhưng số lượng tham gia ở một số điểm chưa nhiều và chưa được thường xuyên.
Hoạt động của một số điểmSHVHCN cũng chưa phong phú, đa dạng, chưa thu hút được đông đảo người lao động tham gia. Một số điểm có cán bộ quản lý nhưng chưa có kinh nghiệm do đó ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động. Các điểm SHVHCN dù đã được hỗ trợ nhưng nguồn kinh phí đầu tư chưa nhiều; cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu của công nhân lao động, diện tích dành cho điểm SHVHCN ở nhiều nơi còn chật hẹp.
Sự phát triển mạnh của công nghệ số khiến công nhân, người lao động dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn thông tin. Cùng với đó, sự đa dạng văn hóa đến từ các nhà đầu tư, người lao động nước ngoài, công nhân đến từ các vùng, miền khác nhau trong cả nước cũng tạo nên bức tranh đa dạng về đời sống văn hóa tinh thần của công nhân, người lao động trên địa bàn TP – đặc biệt là tại các khu công nghiệp…
Thực tế này đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục vừa kịp thời, vừa lâu dài. Chính vì vậy, để điểm SHVHCN trở thành một mô hình hiệu quả trong việc xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động, cần phải tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động.
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội cho rằng, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp và phối hợp của các ngành, thành viên của tổ chức chính trị- xã hội. Đồng thời, bám sát vào các chủ trương, nghị quyết, chương trình của các cấp các ngành trong triển khai tổ chức thực hiện; có sự đôn đốc, kiểm tra thường xuyên trong thực hiện. Cùng với đó, xác định điểm SHVHCN là nòng cốt để xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong công nhân, người lao động Thủ đô, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đẩy mạnh các hoạt động chỉ đạo, tổ chức xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở khu công nghiệp, khu chế xuất.
Từ thực tiễn, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội Ngô Thị Liên cho rằng, để tiếp tục bồi đắp, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, người lao động trong thời gian tới, trước hết phải có sự quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp. Nhưng thách thức hiện nay đang đặt ra là không phải doanh nghiệp nào cũng quan tâm.
Hiện nay có một số doanh nghiệp lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc chủ doanh nghiệp đã quan tâm phối hợp với Công đoàn công ty tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho người lao động, nhưng những đơn vị nhỏ cần sự quan tâm hơn nữa của lãnh đạo doanh nghiệp cũng như tổ chức Công đoàn. Cùng với đó, việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa cho công nhân hiện cũng chỉ được một phần nào, vì có những công ty không dành quỹ đất cho điểm sinh hoạt văn hóa chung, nên rất khó triển khai hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
Củng cố hoạt động các thiết chế văn hóa dành cho người lao động
Dưới góc độ là người làm công tác Công đoàn, Chủ tịch Công đoàn Cty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam Nguyễn Minh Sơn chia sẻ, qua một thời gian tiếp xúc, tuyển dụng cho thấy, công nhân Thủ đô khá giỏi về nhận thức, ý thức, kiến thức so với công nhân lao động ở ngoại tỉnh mới tham gia vào công ty. Hầu hết công nhân Thủ đô thực hiện nghiêm túc kỷ luật lao động, biết quý thời gian lao động cũng như tuân thủ nội quy quy định của công ty; không có sai phạm liên quan đến kích động, gây chia rẽ bè phái mất đoàn kết. Ngoài ra, công nhân Thủ đô có ý thức cải tiến hiệu suất lao động rất cao, họ luôn chia sẻ ý tưởng cải tiến với quản lý cấp trên và cùng chung sức để thực hiện cải tiến đó.
Để phát triển đội ngũ công nhân trong thời kỳ mới, ông Nguyễn Minh Sơn cho rằng, cần tăng cường hơn nữa các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cũng như nâng cao kiến thức, ý thức lao động trong đội ngũ công nhân. Phải đưa ra định hướng chuyên đề, mở các lớp tập huấn theo chủ đề, trong đó chú trọng bổ sung kiến thức pháp luật về luật lao động. Đồng thời, có sự quan tâm thiết thực tới người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong công ty. Quan tâm nâng cao tay nghề cho công nhân thông qua các cuộc thi sáng kiến sáng tạo, công nhân giỏi.
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình 06-CTr/TU cũng như Chỉ thị 30-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, LĐLĐ TP đang tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động các điểm SHVHCN, các Cụm Văn hoá – Thể thao, Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân; thu hút tập hợp đông đảo công nhân viên chức lao động tham gia, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, người lao động, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Cùng với đó, hàng năm, khảo sát, thành lập mới và bổ sung sách cho các Tủ sách Công đoàn tại các điểm SHVHCN và các Tổ Tự quản khu nhà trọ công nhân, trong các doanh nghiệp. Phối hợp với chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng, củng cố hoạt động các thiết chế văn hóa dành cho đoàn viên, người lao động mang tính hệ thống, có định hướng, chú trọng các khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân. Phối hợp với các ngành, các tổ chức kinh tế, xã hội thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phục vụ đoàn viên, người lao động.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/bai-cuoi-giai-phap-vuot-kho-de-nang-cao-doi-song-tinh-than-cho-cong-nhan.html