Bài 2: Cần quy định Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong luật
Cả triệu tỷ đồng vốn nhà nước nằm tại các doanh nghiệp có được sử dụng hiệu quả hay không phụ thuộc phần lớn vào năng lực và cả cơ chế hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư – Baodautu.vn.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. |
Thông tin về tình hình hoạt động của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm nay rất tích cực. Các doanh nghiệp đều có lãi, lợi nhuận trước thuế đã vượt kế hoạch năm. Các doanh nghiệp đang rất nỗ lực, nhưng ở góc độ vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ông nhìn nhận thế nào?
Chủ trương tách bạch giữa quản lý vốn nhà nước với quản lý nhà nước là đúng đắn. Bởi nhà nước có 2 vai trò theo Hiến pháp. Một là, đại diện chủ sở hữu, theo hiến pháp, chúng ta thực hiện chế độ sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện. Ở đây, cần hiểu nhà nước đại diện là bao gồm từ Quốc hội, Chính phủ, cơ quan địa phương. Mặt khác, nhà nước lại quản lý nhà nước, tức là thực hiện các chức năng quản lý nhà nước như cấp phép, xử phạt…
Khi 2 chức năng này được đảm nhận, thực hiện lẫn lộn sẽ không minh bạch, thậm chí, nhiều khi tạo thế cạnh tranh không lành mạnh giữa các bộ chủ quản, giữa các doanh nghiệp. Trong khi nền kinh tế nước ta là nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, có cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… và theo quy định của pháp luật, các chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật.
Như vậy, nếu để một cơ quan đảm nhận 2 vai chắc chắn không bình đẳng, khó có thể cạnh tranh lành mạnh. Chẳng hạn, cơ quan nhà nước rất dễ ưu tiên việc tiếp cận dự án cho doanh nghiệp mình quản lý.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đều có lãi |
Việc tách bạch đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với cơ quan quản lý nhà nước là chủ trương đã có từ lâu, nhưng thực sự bắt đầu thực hiện với việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vào năm 2018.
Thời gian đầu, hoạt động của Ủy ban có lúng túng, có nhiều khó khăn, song dần dần đã đi vào nền nếp, “ép” được các doanh nghiệp vào khuôn phép theo quy định của pháp luật. Họ có vai trò khá lớn trong bổ nhiệm nhân sự cấp cao, quản lý vốn, tham gia ý kiến về dự án đầu tư của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cũng còn một số câu hỏi còn tranh luận. Như là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý doanh nghiệp đến mức nào? Thế nào là quản lý với tư cách chủ sở hữu?
Vậy, theo ông, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quản lý doanh nghiệp đến mức nào?
Sự can thiệp của mô hình Ủy ban vào các doanh nghiệp là minh bạch. Hay nói cách khác, Ủy ban không can thiệp sâu vào hoạt động doanh nghiệp.
Đây là mục đích quan trọng của cải cách, cụ thể là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn không được can thiệp sâu vào quản trị doanh nghiệp. Nếu anh can thiệp sâu, vô hiệu hoá HĐTV, HĐQT của doanh nghiệp, họ không thể hoạt động được.
Một quan sát của tôi là vốn nhà nước được giám sát hiệu quả hơn, sử dụng đúng mục đích hơn.
Nhưng hiệu quả của cơ chế này phụ thuộc rất lớn vào năng lực đại diện chủ sở hữu vốn, chọn và cử người vào HĐTV, HĐQT, Ban Kiểm soát của các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước. Đó phải là những người có năng lực, trình độ quản trị doanh nghiệp chứ không phải người làm hành chính đơn thuần. Mà đã giao cho họ quản lý thì phải phân cấp, phân quyền.
Dù vậy, phải khẳng định rằng, khi có Ủy ban chuyên trách, vẫn hơn các Vụ quản lý doanh nghiệp ở các Bộ, bởi với nỗ lực và nhiệm vụ của mình họ đang dần thạo việc và bước đầu đem lại hiệu quả.
Có lo ngại gì không nếu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp không thể can thiệp sâu hay không đủ sức can thiệp sâu vào doanh nghiệp?
Phải khẳng định, kinh doanh luôn có rủi ro, doanh nghiệp có lúc thua lỗ, có lúc lãi. Quản lý vốn nhà nước là phải theo dõi doanh nghiệp, Chủ tịch HĐTV, HĐQT được Ủy ban cử vào quản trị doanh nghiệp thế nào, Tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp ra sao? Doanh nghiệp lỗ là do khách quan hay do quản trị, nếu do nhân sự thì Ủy ban cần thay ngay và phải làm được điều ấy. Suy cho cùng, quản lý vốn là vấn đề con người, thành bại do con người.
Bởi vậy, tôi mong muốn trong Luật thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) đang được xây dựng có điều riêng về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và phải quy định đặc thù hơn nữa cho Ủy ban này. Luật cũng phải tạo cho doanh nghiệp nhà nước chủ động đầu tư sản xuất, kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp và các luật khác.
Đại diện sở hữu vốn nhà nước có cơ chế theo dõi như cơ chế cử người, báo cáo, cử người tham gia HĐTV, HĐQT, Ban Kiểm soát. Nếu doanh nghiệp đầu tư đa ngành phải thổi còi; còn nếu họ làm đúng mục tiêu rồi thì để họ làm.
Ông có đề cập đến đặc thù của cơ quan chuyên trách đại diện sở hữu vốn nhà nước. Có vẻ như vẫn còn khá nhiều ý kiến khác nhau về mô hình hoạt động của cơ quan này?
Cá nhân tôi cho rằng, sau 6 năm hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chúng ta cần tổng kết, rút kinh nghiệm để kiện toàn mô hình. Cần khẳng định mô hình này hiệu quả không? Có quản lý được vốn nhà nước không?
Thực tế cho thấy, thời gian đầu còn khó khăn vướng mắc, nhưng giờ có thể khẳng định mô hình này là đúng đắn. Khi đã khẳng định đúng thì cần nâng cấp nó lên, vì vốn nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Luật 69 năm 2014 đã quy định phải có cơ quan chuyên trách để quản lý phần vốn nhà nước. Trong văn bản luật thay thế đang được dự thảo cũng cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban. Nếu không luật hoá và kiện toàn quy định về cơ quan chuyên trách đại diện vốn, giao Chính phủ quy định trong các nghị định thì rất khó để mô hình này hoạt động hiệu quả.
Nguồn: https://baodautu.vn/bai-2-can-quy-dinh-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-trong-luat-d227869.html