Chỉ đạo của Thủ tướng về thể thao Việt Nam
Ngày 18.13, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì, lãnh đạo Chính phủ đã lắng nghe báo cáo tổng kết hoạt động của Bộ VH-TT-DL trong năm 2024 và định hướng, kế hoạch đề ra trong năm 2025.
Trong đó, thể thao tiếp tục là một trong những mục tiêu phát triển trọng tâm. Theo báo cáo của Bộ VH-TT-DL, thể thao thành tích cao trong năm 2024: có 16 VĐV giành suất tham dự Olympic tại Paris. Tuy không đạt được huy chương nhưng các VĐV, HLV đã nỗ lực thi đấu hết mình, thông số thành tích của hầu hết vận động viên được cải thiện như rowing, bắn súng, bắn cung, xe đạp…
Kết quả thi đấu quốc tế năm 2024, thể thao Việt Nam đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế (trong đó 482 HCV, 360 HCB, 372 HCĐ). Trong đó, tiêu biểu là, lần đầu tiên đội tuyển fusal nữ giành chức vô địch Đông Nam Á; 16 VĐV giành suất tham dự Olympic Paris; trong đó VĐV Trịnh Thu Vinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với 2 lần vào chung kết 2 nội dung là 10 m súng ngắn hơi và 25 m súng ngắn thể thao (trong đó nội dung 10 m súng ngắn hơi Trịnh Thu Vinh đứng hạng 4 Olympic); đội tuyển bóng chuyền nữ lần đầu tiên giành huy chương đồng thế giới và lần thứ 2 giành huy chương vàng cúp bóng chuyền châu Á và nhiều thành tích xuất sắc khác.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định lĩnh vực thể thao dù đã có bước phát triển, nhưng vẫn còn những điều đáng suy ngẫm, trong đó có việc thể thao Việt Nam không đạt được huy chương tại Olympic Paris 2024.
Thủ tướng nhấn mạnh, ngành văn hóa, thể thao, du lịch là cầu nối uyển chuyển giữa quá khứ và hiện tại. Trong đó, văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc, thể thao là sức khỏe của con người Việt Nam, còn du lịch là sự quảng bá, truyền cảm hứng của đất nước, con người Việt Nam ra bạn bè quốc tế.
Bởi vậy, phát triển văn hóa, thể thao và du lịch cần có mối liên kết chặt chẽ, cũng như chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, trí tuệ con người Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo: phát triển thể thao quần chúng cần đi theo chiều rộng, trong khi phát triển thể thao thành tích cao cần có chiều sâu. Đây là định hướng Bộ VH-TT-DL sẽ tiếp thu trong việc phác thảo kế hoạch cho năm 2025, với trọng tâm là SEA Games 33 diễn ra cuối năm sau tại Thái Lan.
Hạn chế của thể thao Việt Nam
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH-TT-DL khẳng định thể thao thành tích cao đã có sự tiến bộ, từng bước khẳng định được vị thế trong khu vực và tiếp cận trình độ thể thao của châu lục và thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển thể thao thành tích cao của Việt Nam so với các nước trong châu lục và thế giới đang gặp những thách thức lớn cần có đổi mới tư duy và cách làm.
Tại Olympic Paris, mặc dù các thông số thành tích của hầu hết VĐV được cải thiện, song kết quả cho thấy công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV trọng điểm để tranh chấp huy chương tại cấp độ thế giới chưa đạt yêu cầu đề ra, thành tích của các VĐV Việt Nam vẫn còn khoảng cách tương đối xa so với thành tích của châu lục và thế giới.
Ngoài ra, công tác quản lý đào tạo vận động viên chưa chặt chẽ, còn xảy ra một số lỗ hổng cần phải khắc phục, gây dư luận xấu, ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của thể thao Việt Nam.
Trong năm 2025, thể thao Việt Nam cần chiến lược hợp lý để đạt thành tích tốt tại SEA Games, đồng thời tận dụng SEA Games là bàn đạp để đầu tư cho ASIAD và Olympic, vốn là những đấu trường thể thao Việt Nam cần ghi dấu ấn đậm nét hơn, tránh trường hợp vì tập trung dồn lực cho khu vực, mà không đầu tư trọng điểm đủ tốt để các VĐV hướng ra châu Á và thế giới.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thu-tuong-can-phat-trien-the-thao-thanh-tich-cao-theo-chieu-sau-18524121812145157.htm