Những ứng viên có khả năng thiết lập mối quan hệ và biết giao tiếp, đề cao tinh thần đồng đội sẽ có ưu thế khi ứng tuyển vào các doanh nghiệp Mỹ, theo nhiều chuyên gia.
Talkshow “Chia sẻ kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn Mỹ” chiều 24/5 ở Hà Nội thu hút nhiều sinh viên, người đi làm, thậm chí học sinh lớp 12 tham dự. Các hàng ghế trong khán phòng Trung tâm Mỹ của Đại sứ quán Mỹ gần như kín chỗ.
Bà Bùi Thị Việt Lâm, đại diện tại Việt Nam, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ – Việt Nam, cho biết ngoài những tiêu chí cụ thể liên quan đến chuyên môn của công việc, các doanh nghiệp Mỹ đều đánh giá cao kỹ năng giao tiếp của ứng viên.
Với 7 năm làm việc cho Đại học Fulbright Việt Nam và hiện tại ở vai trò cầu nối giữa Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, theo bà Lâm doanh nghiệp Mỹ thường tìm kiếm một ứng viên có thể kết nối và làm việc với đồng đội, thay vì một “ngôi sao cô đơn”, muốn thể hiện bản thân giỏi giang, nổi bật mà không làm việc được với người khác. Trong khi đó, nhiều người trẻ lại thường cố làm điều này khi bước chân vào môi trường làm việc mới.
“Tôi cần một người, trước hết phải là đồng đội tốt, biết cách làm việc với thành viên khác trong nhóm. Nếu không có tinh thần đồng đội sẽ rất khó làm việc. Đó là một điểm yếu của người Việt”, bà Lâm nói.
Đồng tình với ý kiến này, ông Dương Vi Quân, Trưởng phòng khối ngân hàng toàn cầu của Citibank và ông Ngô Hà Quân, cố vấn tài chính của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng thành công của họ phần lớn là do biết cách kết nối, xây dựng các mối quan hệ (networking) trong công việc.
Ông Ngô Hà Quân cho hay ứng viên có thể tiếp cận doanh nghiệp trực tiếp bằng năng lực nổi trội và tạo ra sự chú ý. Chẳng hạn, một sinh viên kỹ thuật biết tiếng Anh, thân thiện và nhiệt tình trong giai đoạn thực tập sẽ nhận được cảm tình của sếp và đồng nghiệp. Tuy nhiên, với sinh viên mới ra trường, chưa có cơ hội tiếp cận với các nhân vật chủ chốt trong doanh nghiệp, cần tìm ra thế mạnh, xác định giấc mơ nghề nghiệp của mình, sau đấy làm việc cho các công ty của Việt Nam. Quá trình này giúp ứng viên mở rộng, xây dựng mối quan hệ với các đồng nghiệp ở các doanh nghiệp quốc tế và tham gia hội thảo, sự kiện để làm quen với nhà tuyển dụng.
“Bạn kết nối, đối xử với các mối quan hệ một cách thân tình, cởi mở và vô tư, cộng với tự trau dồi kiến thức nghề nghiệp thì việc nhận được lời mời công việc chỉ là vấn đề thời gian”, ông nói.
Ông Vi Quân nhìn nhận xây dựng mạng lưới quan hệ là kỹ năng phải học dù với nhiều người không dễ chịu. Là dân kỹ thuật, ông thích nghiên cứu, không dễ dàng bắt chuyện với người lạ song đôi khi phải ra khỏi vòng an toàn của mình.
Theo ông Hà Quân, networking là xây dựng mối quan hệ chất lượng. Nếu có tài năng nhưng người khác không biết đến tài năng đó, ứng viên sẽ ít có cơ hội phát huy. Do đó, ứng viên cần biết bản thân muốn gì, sau đó tập trung vào những nơi có khả năng giúp ước mơ của mình sớm thành hiện thực.
Cụ thể, ứng viên tiếp cận những người đã thành công trong lĩnh vực mà mình theo đuổi. Dù bạn có thể chưa nhận được lời mời làm việc ngay nhưng sẽ có lời khuyên của những người từng phải trả giá 10-20 năm mới có được thành quả.
“Họ sẽ tóm tắt lại cho bạn trong những câu ngắn gọn. Như vậy, bạn sẽ giảm thiểu học phí phải trả”, ông Hà Quân phân tích.
Là người hướng nội, bà Lâm nghĩ nên đầu tư vào mối quan hệ xung quanh. Thời đại công nghệ khiến nhiều người xa ít dành thời gian chất lượng cho người thân mà không biết rằng họ có thể là nguồn hỗ trợ quan trọng. Nhờ duy trì các mối quan hệ thường xuyên, bà được giới thiệu nhiều cơ hội việc làm tốt.
“Đầu tư vào mối quan hệ thực chất xung quanh mình, bạn bè và kể cả người đã gặp rất quan trọng vì không biết cơ hội sẽ đến lúc nào; hoặc khi có một cơ hội nào đấy, họ sẽ nhớ đến và gọi bạn”, bà chia sẻ. Bà Lâm khuyên sinh viên đi thực tập càng sớm càng tốt để trải nghiệm và có networking để giúp xin được việc.
Các chuyên gia cũng lưu ý, việc xây dựng mối quan hệ phải song song với việc trau dồi kỹ năng nghề nghiệp. Ông Hà Quân chia sẻ hay thường được doanh nghiệp mời làm việc, thay vì phải đi xin việc. Ở mỗi cương vị, ông đều cố gắng làm tốt nhất có thể, luôn có sự chuẩn bị và trau dồi. Vì thế, khi gặp người đang tìm nhân sự cho vị trí mới, ông đã sẵn sàng và gây ấn tượng với họ. Trước khi đầu quân cho World Bank, ông từng làm việc 10 năm cho ngân hàng Standard Chartered và các quỹ đầu tư.
Trúng tuyển vào các doanh nghiệp Mỹ hay bất cứ tập đoàn đa quốc gia nào, ngoài lương và đãi ngộ, người lao động còn có thể học hỏi thêm về chuyên môn và nhận được nhiều lợi ích lớn khác. Theo các chuyên gia, những doanh nghiệp này luôn “sòng phẳng” về quyền lợi, làm đến đâu hưởng đến đó.
Nguyễn Lê Trúc Lan, sinh viên ngành Tài chính, Học viện Ngân hàng, nói tâm đắc với những kinh nghiệm thực chiến của ba chuyên gia tại hội thảo.
“Buổi chia sẻ rất bổ ích, giúp em hiểu các doanh nghiệp nước ngoài cần gì ở một ứng viên tương lai”, Lan cho biết.
Bình Minh