Tiêu thụ năng lượng xanh tại TP.HCM chỉ mới đạt 7,6%
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, để ứng phó với những thách thức biến đổi khí hậu, kẹt xe, môi trường… TP.HCM đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới. Để thực hiện quyết tâm trên, thành phố đã nghiên cứu đề ra khung chiến lược phát triển xanh, cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, hướng tới phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Ngoài ra, ông Phan Văn Mãi cũng chia sẻ một số thực trạng, mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh của thành phố. Hiện mỗi ngày, số điện năng tiêu thụ của TP.HCM khoảng 90 triệu kWh, nguồn cung chủ yếu từ bên ngoài thành phố và chủ yếu từ nhiệt điện; điện xanh chỉ chiếm 7,6%. Mục tiêu của thành phố đến 2025 phải đạt 25% và 2030 đạt 35 – 40% điện sạch.
Thứ 2 là giao thông đường bộ đang chiếm 18,5% lượng phát thải khí nhà kính ở Việt Nam. Hệ thống giao thông nội đô đang bị chi phối bởi phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe máy. Năm 2019, TP.HCM có 777 phương tiện trên 1.000 dân và xe ô tô khoảng 81 xe trên 1.000 dân. Vấn đề của thành phố là cần tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân.
Thứ 3 là xử lý rác thải, nước thải. Hàng ngày TP.HCM thải ra khoảng 9.500 tấn chất thải rắn, tỷ lệ tăng hàng năm khoảng 6 – 10%, rác sinh hoạt bình quân đầu người khoảng 0,98 kg mỗi ngày. Thứ 4 là tín chỉ carbon. Nghị quyết 98 cho phép TP.HCM được thí điểm giao dịch tín chỉ carbon. Tuy vậy, thành phố đang rất cần được tư vấn từ các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp về pháp lý, mô hình thí điểm, cách làm.
Với việc chuyển đổi năng lượng hay xử lý rác thải tại TP.HCM được đề cập ở trên, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh khó khăn nhất vẫn là chính sách, vốn và công nghệ.
“Thành phố sẽ thí điểm xây dựng Cần Giờ trở thành địa phương xanh, đây là địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế. Muốn vậy, phải tập trung xây dựng giao thông xanh, các phương tiện giao thông phải sử dụng nhiên liệu xanh, năng lượng xanh, xử lý rác thành điện phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt tại Cần Giờ. Du lịch không thải rác nhựa, phát triển du lịch xanh và thí điểm tín chỉ carbon với rừng Cần Giờ…”- ông Mãi nói.
Bài học
Ông Ichisaka Hirofumi – Giám đốc điều hành cấp cao về quan hệ quốc tế tỉnh Osaka (Nhật Bản), chia sẻ ngay từ năm 1886, Nhật Bản đã có ý tưởng lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường vào hệ thống luật pháp, nỗ lực kiểm soát ô nhiễm. Những năm 50 thế kỷ trước, Nhật Bản phát triển thần kỳ, nhưng cũng kéo theo các vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng. Năm 1973, Osaka triển khai mô hình quản lý doanh nghiệp đầu tiên tại Nhật Bản có quy định rõ về yếu tố môi trường. Nhờ đó duy trì tăng trưởng ổn định, đồng thời tiên phong vượt qua các vấn đề về ô nhiễm môi trường, có được ngày hôm nay.
Còn ông Ricardo Valente, Ủy viên hội đồng Thành phố về kinh tế và tài chính thành phố Porto (Bồ Đào Nha) cho biết tại thành phố Porto, ngay từ năm học đầu tiên, các em học sinh đã được dạy làm sao để thích ứng với xanh hóa, tăng trưởng xanh. Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, TP.HCM tuy phát triển đô thị nhưng cần chú trọng phát triển xanh ở các tòa nhà, không gian trong xanh trong lòng thành phố.
Muốn vậy, phải tạo ra một tinh thần kinh doanh tuần hoàn; đặt ra những giải thưởng xanh nếu doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp về xử lý nước, năng lượng… Hoặc có chính sách khuyến khích, miễn giảm thuế cho các công ty đạt chỉ số về môi trường. Làm sao để việc tiêu dùng hằng ngày, như áo quần, thiết bị điện tử phải được tái sử dụng, tránh lãng phí, gây hại môi trường. “Chính quyền các địa phương là các nhà tiêu dùng lớn nhất trong xã hội thông qua việc tiên phong sử dụng các sản phẩm xanh, tạo động lực cho doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm này. Nếu nhà nước không tham gia quá trình tiêu dùng xanh này thì không thể tạo được động lực cho xã hội”, ông Ricardo Valente nhấn mạnh.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCharm, khẳng định, các thỏa thuận xanh của Liên minh châu Âu, hay Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đều hướng đến mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) vào 2050. EuroCharm mong muốn hỗ trợ thông qua chuyển giao công nghệ, chia sẻ mô hình, xây dựng năng lực cho các dự án, từ đó giúp TP.HCM trở thành trung tâm xuất khẩu cho EU. Ông tiết lộ, vài tháng tới, EuroCharm sẽ có một loạt hoạt động để doanh nghiệp có thể triển khai các thỏa thuận xanh của châu Âu, thúc đẩy phát triển bền vững.
Ông Erick Contreras – Tổng giám đốc BASF Việt Nam: Trong cam kết hướng tới phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050 của Việt Nam, chúng tôi không chỉ tập trung quản lý phát thải ở phạm vi phát thải tại các nhà máy sản xuất của mình, phát thải từ các nguồn năng lượng mà chúng tôi thu mua, mà còn giải quyết khí thải liên quan tới nguồn nguyên liệu thu mua từ nhà cung cấp, vốn tạo lượng phát thải lớn trong các sản phẩm đầu ra của chúng tôi. Cụ thể, từ năm 2021, chúng tôi đã trao đổi với hơn 1.300 nhà cung cấp chịu trách nhiệm cho 60% lượng khí thải liên quan tới nguyên liệu đầu vào của BASF. Làm việc với họ nhằm xác định, thực hiện các giải pháp giúp giảm phát thải ở từng sản phẩm cụ thể, đưa giảm phát thải thành tiêu chí trong thu mua nguyên liệu đầu vào.
Là nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào, chúng tôi đã cung cấp thông tin minh bạch về lượng phát thải của 45.000 sản phẩm, giúp doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu vào châu Âu, với các đòi hỏi nghiêm ngặt về tính bền vững và công bố thông tin phát thải sản phẩm. Ngoài các mục tiêu về tài chính, chúng tôi đã đặt ra các mục tiêu phi tài chính, thể hiện sự quyết tâm đối với vấn đề này. Tại Việt Nam, BASF đang tích cực tìm hiểu các dự án hợp tác về bền vững với các trường đại học và viện nghiên cứu, nhằm hỗ trợ hiệu quả cho nỗ lực thúc đẩy bền vững của mình.