Kinhtedothi - Chiều 15/2, tham gia thảo luận tại hội trường về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh các đại biểu Quốc hội cho rằng cần áp dụng ngay chứ không nên thí điểm.
Đề xuất bổ sung xe buýt con thoi giữa các tuyến
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định) quan tâm đến nội dung kết nối các tuyến đường sắt để nâng cao hiệu quả của từng tuyến và cả hệ thống. Đại biểu nêu vấn đề, trong quy hoạch toàn tuyến đều có hệ thống kết nối, tuy nhiên khi mới hoàn thành vài tuyến, có tuyến chưa hoàn thành 100% đã đưa vào sử dụng thì việc kết nối tạm sẽ thực hiện như thế nào?.
Hiện nay, tuyến Cát Linh - Hà Đông và tuyến Nhổn - Hà Nội chưa kết nối nội bộ trong hệ thống mà thông qua hệ thống xe buýt có dừng lại ở nhiều trạm giữa ga Cát Linh và ga Cầu Giấy, làm tăng thời gian và chi phí đi lại của người dân. Thông thường để vận chuyển hành khách trong hệ thống thì họ dùng dạng xe buýt con thoi, thường chỉ đi lại giữa 2 điểm, khách hàng không phải thanh toán thêm hay bị kiểm soát khi lên xuống dạng xe buýt này.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị, trước mắt cần bổ sung một số xe buýt con thoi để đi lại giữa ga Cầu Giấy của tuyến Nhổn - ga Hà Nội và ga Cát Linh của tuyến Cát Linh - Hà Đông. Khi khách xuống tàu thì có thể đi thẳng đến xe buýt mà không cần ra khỏi ga để đón xe buýt. Xe buýt cũng không dừng lại nhận khách hay trả khách ở các tuyến dọc đường như hiện nay.
"Chúng ta có thể tốn thêm chi phí để duy trì một vài xe buýt này nhưng sẽ giúp nâng cao hiệu quả đi lại của 2 tuyến metro mà chúng ta đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng" - đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu hình thức bán vé chung cho cả 2 tuyến. Khách mua vé một lần có thể đi bất kỳ ga nào của một tuyến đến bất kỳ ga nào của tuyến còn lại. Như vậy, 2 tuyến được kết nối sẽ tạo thuận lợi cho người dân; số người sử dụng sẽ tăng lên, nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 tuyến metro trên. Đồng thời, những tuyến sau này cũng có thể áp dụng tương tự để nâng cao hiệu quả hoạt động mà khi chưa hoàn thành toàn bộ tuyến metro.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) nhấn mạnh, phát triển mạng lưới đường sắt đô thị hiện nay của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là phát triển trong điều kiện đô thị có rồi, do vậy mạng lưới đường sắt này phải đi kèm theo là chỉnh trang đô thị. Phần lớn những ga ngầm mà phát triển trong khu vực nội đô, không thuộc khu vực được gọi là bảo tồn thì mỗi một điểm ga ngầm đó phải đồng thời là một điểm đô thị TOD để vừa giải quyết vấn đề nhu cầu vận tải hành khách cho hiệu quả của tuyến đường sắt, góp phần vào tải cải tạo, chỉnh trang đô thị, đồng thời lại tạo được nguồn lực tiền vốn cho đường sắt này.
Làm rõ mức hỗ trợ của ngân sách Trung ương
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) bày tỏ quan tâm đến vấn đề về huy động vốn. Tại điều 4, Dự thảo Luật quy định là trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án, Thủ tướng Chính phủ quyết định cân đối, bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn hằng năm, vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương và tối đa cho Hà Nội là khoảng 215.000 tỷ đồng, cho TP Hồ Chí Minh là 209.000 tỷ và trong 2 giai đoạn 2026-2030 và 2031-2035 để làm cơ sở quyết định đầu tư, thực hiện đầu tư các dự án thuộc danh mục kèm theo Nghị quyết này.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng, ngân sách Trung ương hỗ trợ cho địa phương để thực hiện quyết định đầu tư và quyết định chuẩn bị đầu tư là hoàn toàn phù hợp, cũng phù hợp với một trong những nguyên tắc trong Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, theo đại biểu, Dự thảo Nghị quyết đặt ra vấn đề chỉ cam kết bố trí không vượt quá tối đa mà lại trong 2 giai đoạn thì không có ý nghĩa nhiều bởi không vượt quá tối đa 219.000 tỷ thì có thể đã bố trí 1 tỷ cũng là không vượt quá 219.000 tỷ.
Quan trọng nhất là Trung ương phải cam kết là trong từng giai đoạn. Giai đoạn 2026-2030 Trung ương cam kết hỗ trợ tối thiểu là bao nhiêu và giai đoạn tiếp theo cũng phải tối thiểu là bao nhiêu cho 2 thành phố. Trên cơ sở đó mới có thể xác định được nguồn vốn từ Trung ương và ngân sách địa phương thì mới có thể quyết định đầu tư được. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần phải làm rõ, đặc biệt là khung dưới, ít nhất tối thiểu trong từng giai đoạn ngân sách Trung ương hỗ trợ là bao nhiêu?
Đối với vấn đề hiệu lực của nghị quyết và có thí điểm hay không, đại biểu Trường Giang nêu: Nghị quyết của chúng ta xác định thí điểm, nhưng thời gian thí điểm đến năm 2045 - tức là khi hoàn thành và đối với danh mục dự kiến thời gian hoàn thành là năm 2045. Đại biểu đề nghị xác định hiệu lực, sau đó chúng ta xác định đến năm 2045.
Cho rằng thời gian "thí điểm" kéo dài tới 20 năm là quá nhiều, đại biểu đề nghị không phải thí điểm mà cần áp dụng ngay bởi đây là các cơ chế, chính sách đặc thù để và phát triển mạng lưới của 2 tuyến đường ở 2 thành phố. Trong quá trình triển khai, có những vấn đề gì cần thiết điều chỉnh thì Chính phủ có thể trình với Quốc hội để điều chỉnh các chính sách một cách phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả của 2 dự án đường sắt này.
Phát biểu làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trần Hồng Minh cho biết, hiện TP Hồ Chí Minh có một tuyến đã triển khai và Hà Nội có 2 tuyến đường sắt đô thị chúng ta không quan tâm đến TOD. Tức là hiện nay ở các vị trí nhà ga này thì quỹ đất và vấn đề ổn định cho đời sống Nhân dân, cảnh quan môi trường đều không được quan tâm.
Rút kinh nghiệm kịp thời trong giai đoạn vừa qua, chúng ta phải đưa quy hoạch phát triển mô hình TOD để làm sao tạo những quỹ đất ở trên và dưới như đại biểu của Hà Nội vừa có ý kiến để tăng thêm nguồn thặng dư về đất ở đây, chỉnh trang đô thị cho phù hợp. Chính vì thế trong đề xuất của dự án TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đưa mô hình TOD vào để thực hiện dự án.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dbqh-can-ap-dung-ngay-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-duong-sat-do-thi.html
Bình luận (0)