Sáng 12.2, sau khi nghe tờ trình tại phiên khai mạc kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội tiến hành họp tổ thảo luận về luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội và luật Ban hành văn bản quy pháp luật.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại thảo luận tổ TP.HCM
ẢNH: GIA HÂN
Phát biểu tại tại tổ TP.HCM, Chủ tịch nước Lương Cường chia sẻ, đây là lần đầu tiên ông sinh hoạt với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Chủ tịch nước cho biết, tại phiên khai mạc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có phát biểu nêu rõ việc xây dựng pháp luật làm rất chặt chẽ, theo quy trình. Trong nhiệm kỳ này - một nhiệm kỳ rất đặc biệt, Quốc hội họp bất thường rất nhiều nhưng cần thiết bởi phải giải quyết, xử lý các vấn đề vướng, khó với mục tiêu đưa đất nước phát triển.
Chủ tịch nước Lương Cường nêu rõ, Nghị quyết 18 về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy đã được ban hành qua 8 năm (từ năm 2017), đã có sơ kết, nhưng kết quả thực hiện chưa được như mong muốn.
"Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp và báo cáo T.Ư Đảng, làm sao đích của tinh gọn phải hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức lại, làm gì thì làm nhưng bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ", Chủ tịch nước cho biết.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước cho hay, khi rà lại việc thực hiện Nghị quyết 18 thấy "vướng" tới hơn 5.000 luật và văn bản pháp luật các loại, trong đó có 200 luật cần sửa đổi bổ sung.
Theo đó, có rất nhiều vấn đề nhưng quan trọng nhất là tập trung 4 luật đó là: luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội; luật Tổ chức Chính phủ; luật Tổ chức chính quyền địa phương; luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Ngoài ra còn có 5 nghị quyết liên quan đến triển khai Nghị quyết 18 cũng được Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung lần này liên quan tinh gọn bộ máy. Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã họp rất nhiều phiên với thống nhất cao "nhiều vấn đề nhưng để quyết tâm thực hiện thì mọi cấp, mọi ngành, mọi người trong toàn bộ hệ thống chính trị đều phải cố gắng" - như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định "vừa chạy, vừa xếp hàng".
Phiên thảo luận tổ đầu tiên của kỳ họp bất thường thứ 9 của tổ TP.HCM sáng 12.2
ẢNH: GIA HÂN
Đời sống nhân dân phải được cải thiện
Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định tầm quan trọng của "3 đột phá" quyết định phát triển là thể chế, nhân lực và hạ tầng; vấn đề nhiều điểm nghẽn nhất là về thể chế. "Quan điểm là chỗ nào vướng, khó mà mình làm được thì cố gắng làm. Vì vậy có kỳ họp bất thường lần thứ 9...", Chủ tịch nước cho biết.
Chủ tịch nước đề nghị các Đại biểu Quốc hội với chuyên môn, kinh nghiệm công tác, thực tiễn phong phú cùng thảo luận sửa các luật để "tốt hơn, mạnh hơn".
Về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 và từ năm 2026 là ở mức 2 con số, Chủ tịch nước bày tỏ nên "gỡ thế nào" để đạt mục tiêu này.
Ông kỳ vọng TP.HCM, một trong những trung tâm kinh tế lớn cả nước, động lực phát triển quan trọng, "với quy mô kinh tế rất lớn, thành phố mà tăng trưởng thêm 1% thôi bằng các địa phương khác tăng trưởng hàng chục %".
Chủ tịch nước nêu câu hỏi thực tiễn có vấn đề gì "vướng, khó" cần tháo gỡ để TP.HCM "tăng tốc, bứt phá, cất cánh", thực sự là đầu tàu kinh tế, phát triển năng động. Ông cũng đề cập đến các mục tiêu của cả nước trong các giai đoạn 2030 - 2045, ngoài tăng trưởng kinh tế thì còn nhiều vấn đề khác.
"Tuổi thọ trung bình phải 80 tuổi trở lên, trong khi hiện mới hơn 74 tuổi, cùng với đó là các chỉ số khác... Làm gì thì làm thì đời sống nhân dân phải ổn định, cải thiện không chỉ mỗi kinh tế. Ngày xưa thì ăn no, mặc ấm, bây giờ phải ăn ngon, mặc đẹp, thời trang nữa…", Chủ tịch nước bày tỏ.
Thanhnien.vn
Bình luận (0)