Khu bất động sản cao cấp giống Paris mọc lên giữa thủ đô Phnom Penh đang được giới nhà giàu Campuchia săn đón.
Bản sao của Khải Hoàn Môn nằm bên một nhánh sông Mekong, hai bên là dãy cửa hàng và căn hộ theo lối kiến trúc Haussmann đặc trưng của thủ đô nước Pháp.
“Tòa nhà này thực sự quá đẹp”, Heng Sokharith, 49 tuổi, người mua một căn hộ trong dự án Elysee đặt tên theo đại lộ Champs-Elysees ở Paris để kinh doanh đồ nội thất, bày tỏ. “Chúng tôi tự hào khi có tòa nhà đẹp thế này ở Campuchia”.
Với lối đi bộ uốn lượn men theo bờ sông, nhiều quán cà phê, cửa hàng sang trọng, khu vực này được ví như Paris thu nhỏ, là nơi sang trọng dành cho người giàu, tách biệt họ với sự náo nhiệt ồn ào không ngừng của thành phố hai triệu dân.
OCIC, một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Campuchia, đã biến vùng đầm lầy trên một hòn đảo thành các tòa nhà chọc trời, một trường học quốc tế và một bệnh viện. Họ đầu tư 400 triệu USD vào Elysee, dự án khởi công năm 2015 và sắp hoàn thành.
Koh Pich, hòn đảo có dự án Elysee, đã trở thành biểu tượng cho sự tái sinh của Phnom Penh sau nhiều thập kỷ xung đột. Campuchia là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á trong 20 năm qua.
Giá nhà ở Elysee lên tới 1.300 USD một m2 tại quốc gia có GDP bình quân đầu người hơn 1.600 USD và lương tối thiểu trong ngành may mặc, lĩnh vực thu hút nhiều lao động, 200 USD/tháng. Hơn 80% trong số 229 căn đã bán hết, theo phó chủ tịch OCIC Thiery Tea, dù không phải nhà nào cũng có người ở.
Phnom Penh đang cố gắng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm mua bất động sản nhờ giá cả cạnh tranh so với những thành phố khác trong khu vực.
“Nếu khách hàng muốn mua, cho thuê, kiếm lợi nhuận và lợi tức đầu tư, chúng tôi xin hoan nghênh”, ông Tea nói. “Campuchia có rất nhiều điều thú vị. Phnom Penh đang phát triển, rất tiềm năng”.
Dưới thời ông Hun Sen, Campuchia đã thắt chặt quan hệ với Trung Quốc. Dòng tiền từ Trung Quốc chảy vào đất nước, thúc đẩy ngành bất động sản ở Phnom Penh bùng nổ.
Những người ủng hộ Elysee và các dự án cao cấp tương tự cho rằng ngoài tiền của nhà đầu tư Trung Quốc, họ hy vọng các nhãn hiệu cao cấp sẽ bị hấp dẫn bởi tiềm năng thị trường của Campuchia khi tầng lớp trung lưu đang tăng.
Cách Koh Pich không xa, một trung tâm mua sắm với 75 cửa hàng xa xỉ sẽ mở cửa trong vài tháng tới. Pierre Balsan, giám đốc điều hành Bluebell, công ty vận hành trung tâm thương mại, cho hay Campuchia là “biên giới mới của thương hiệu xa xỉ”.
Ông cho rằng thách thức lớn nhất hiện này là “thay đổi nhận thức của các nhà quản lý thương hiệu về Campuchia và hình ảnh Campuchia”. Việc chuyển giao quyền lực cho thế hệ trẻ hơn từ ông Hun Sen sang con trai là ông Hun Manet, 46 tuổi, đã thúc đẩy hình ảnh hiện đại của Campuchia.
Ông Hun Manet, người từng du học ở Mỹ và Anh, là hiện thân cho sự đổi mới của giới tinh hoa sau khi cha ông điều hành đất nước gần 40 năm. Ông cam kết biến Campuchia thành “nước có thu nhập cao” vào năm 2050.
Heng Sokharith hài lòng với khoản đầu tư của mình. “Tôi cho rằng đất nước trong tương lai sẽ phát triển hơn, nên khu vực này sẽ hấp dẫn hơn”, anh nói.
Hồng Hạnh (Theo AFP)