Cành hạt dẻ, quả thị, dưa gang, bí ngô mini hay chuối rừng đang được nhiều gia đình tìm mua để cắm trang trí trong mùa Trung thu.
Cuối tháng 8, chị Hoàng Thị Ngọc Ánh (36 tuổi) ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) đặt mua một bó cành hạt dẻ về cắm bình. “Tôi đam mê cắm hoa, cành quả độc lạ nên khi thấy có người bán cành hạt dẻ tươi nhập khẩu nên đặt mua ngay”, chị Ánh nói.
Giá cành hạt dẻ khoảng 180.000 đồng một bó nhỏ (khoảng 5 cành). Gia chủ nói cách cắm cành hạt dẻ tươi tương tự các loại khác, nhưng quả nhiều gai nhọn, cần chú ý lúc cắt tỉa. Sau hai, ba ngày, lá bắt đầu héo, quả khô dần rồi nứt, để lộ hạt nâu đậm căng tròn bên trong.
“Cắm loại cành này khá bền nhưng thú vị nhất là việc được ngắm toàn bộ quá trình từ lúc quả còn tươi đến khi khô và rụng hạt nên rất đáng để thử”, người phụ nữ 36 tuổi nói.
Ngoài cành hạt dẻ, chị Ngọc Ánh cũng thử cắm cành quả đèn lồng (quả tầm bóp), bởi sắc đỏ, cam rất hợp để trang trí Trung thu. Giá bán khoảng 145.000-160.000 đồng cho 5 cành.
Loại cành này có thể cắm được từ một đến ba tuần. Để tránh thối gốc, chị Ánh nói người chơi cần cắm lượng nước vừa phải và thay hàng ngày.
Cành quả cà chua hay còn gọi là cành quả bí ngô mini (pumpkin on stick) nhập ngoại với sắc đỏ, vàng đẹp mắt, phù hợp với tiết trời mùa thu cũng được nhiều người săn đón để trang trí trong gia đình.
“Cành cà chua khi để lâu quả dễ bị héo đi, nhưng vẫn giữ được màu sắc tươi tắn, đẹp mắt, mang đến cảm giác sung túc, ấm no, đủ đầy”, chị Ngọc Ánh nói.
Họa sĩ Nguyễn Hoàng Anh ở Long Biên (Hà Nội) lại tìm mua cành quả thị loại lớn (cao 1,8 m, ngang 2 m) để trang trí trong phòng khách.
“Bản thân tôi rất thích cắm cành quả, đặc biệt là nông sản của Việt Nam. Không chỉ đẹp về thị giác, mà còn khiến bản thân như được sống giữa thiên nhiên và có thêm những quan sát độc đáo, tạo nguồn cảm hứng trong sáng tác”, anh Hoàng Anh nói.
So với các cành quả hồng hay đào, mai từng chơi, họa sĩ nói cành quả thị khó cắm hơn bởi kích thước lớn, buộc phải chọn dáng và vị trí phù hợp trong nhà. Tuy nhiên, loại cành này có độ bền cao, quả khi chín có mùi thơm dịu nhẹ, tạo cảm giác thư thái.
Nam họa sĩ từng thử cắm cành táo mèo của vùng núi Tây Bắc. Không chỉ là thú chơi, làm đẹp cho không gian sống, anh Hoàng Anh cho biết cắm cành quả cũng hỗ trợ bà con miền núi tăng thu nhập, dễ tiêu thụ được các loại quả chất lượng kém, kén người mua.
Là người chơi cành quả nhiều năm, chị Trần Thị Định ở quận Hà Đông (Hà Nội) cũng thử cắm cành quả dưa gang. Giá mỗi bó quả khoảng 60.000-70.000 đồng.
Theo chị Định, cành quả dưa gang cứng, thân khá to phải cắm vào bình nặng để không bị đổ, xô lệch. Bí quyết để chơi lâu là sau 5 ngày lại rửa chân cành và thay nước, giúp cành quả có thể tươi trong 10-15 ngày.
Luôn thích sưu tầm những cành quả độc lạ, chị Định cũng từng đặt mua cành quả chanh rừng để trang trí cho không gian nhà. “Đây là cây chanh bị sâu phá hoại, người dân buộc phải cắt bỏ, tôi thấy tiếc nên mua về. Rất may khi khi cắm cành quả tươi lại, chơi được cả tháng”, chị giải thích.
Trang trí cành quả chanh trong nhà, chị Định nói rất thích mắt bởi độ xanh mướt từ lá đến quả, cảm nhận hương thơm dịu nhẹ, tươi mát lan tỏa khắp phòng.
Tại Hải Phòng, chị Thảo Linh đặt mua cành quả cà phê giá 120.000 đồng, hôm 19/9. Để cắm bình, chị chia bó làm thành các cành to, nhỏ và lá riêng lẻ, sau dùng lưới mắt cáo cắm xiên vòng bên ngoài và chọn cành to để cắm vào những khoảng rống. Cuối cùng, chị lấy lá cắm xen quanh bình tạo độ mềm mại.
Nhắc về điểm đặc biệt của bình quả, chị Linh nói đó là sự kết hợp của các màu sắc từ xanh, vàng và đỏ trên cùng một cành khi quả cà phê vào giai đoạn chín. “So với các loại khác, chơi cành cà phê rất bền, tôi cắm hai tuần vẫn tươi đẹp. Quả sau khi héo không rụng mà khô trên thân, rất dễ vệ sinh”, chị nói.
Gần đến Trung thu, anh Nguyễn Thế Hoàng (29 tuổi) ở Thanh Hóa cũng đặt mua hoa chuối rừng kèm một buồng quả từ Tuyên Quang, bởi muốn trang trí không gian sống và làm việc theo phong cách cổ truyền.
Anh Hoàng cho biết, để cắm được bình hoa chuối “khủng” buộc phải tìm mua loại bình chuông cỡ lớn, nặng để tránh bị nghiêng, đổ vỡ. Sau khi nhận hoa anh bắt đầu bóc các bẹ lá, quả hỏng hoặc bị dập để vệ sinh. Tiếp đó, anh đổ nước đầy bình, pha thêm gói thuốc dưỡng để hoa tươi lâu, thân tránh bị úng và hạn chế mùi hôi.
Về cách chăm sóc, Hoàng nói hoa chuối không hút nhiều nước, từ 5-7 ngày mới phải vệ sinh gốc hoa, cắt bỏ phần hư hỏng, đồng thời thay nước để đạt độ bền ba đến bốn tuần.
“Nhìn những bông hoa chuối rừng có màu hồng cánh sen đẹp mắt, quả chuối chín từng ngày thật sự rất thích mắt”, anh Hoàng nói.
Quỳnh Nguyễn
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vnexpress.net