Người bệnh tiểu đường uống 1-2 hai tách cà phê đã pha hoặc 3-4 tách trà đen, tương đương 200 mg caffein có thể làm tăng đường huyết.
Những người khỏe mạnh ăn, uống cà phê, trà, soda, chocolate… có chứa caffein thường không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường khi tiêu thụ thực phẩm có nhiều caffein sẽ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Một nghiên cứu xem xét những người mắc bệnh tiểu đường type 2 uống một viên caffein 250 mg vào bữa sáng và một viên khác vào giờ ăn trưa. Chúng tương đương với uống hai tách cà phê trong mỗi bữa ăn. Kết quả cho thấy, lượng đường trong máu của họ cao hơn 8% so với những ngày họ không dùng caffein. Các nhà nghiên cứu giải thích điều này là do caffein có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể phản ứng với insulin – hormone cho phép đường đi vào tế bào và chuyển hóa thành năng lượng.
Caffein có thể làm giảm độ nhạy insulin. Với người mắc bệnh tiểu đường type 2, cơ thể không sử dụng tốt insulin. Sau bữa ăn, lượng đường trong máu tăng cao hơn bình thường. Đường huyết quá cao theo thời gian có thể làm tăng nguy cơ biến chứng bệnh tiểu đường như tổn thương thần kinh hoặc bệnh tim.
Các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu cách caffein ảnh hưởng đến lượng insulin và lượng đường trong máu. Một số giải thích là do caffein làm tăng mức độ của một số hormone gây căng thẳng như epinephrine (còn gọi là adrenaline). Epinephrine có thể ngăn các tế bào xử lý đường, ngăn cơ thể tạo ra nhiều insulin.
Caffein hoạt động bằng cách ngăn chặn tác dụng của adenosine. Adenosine đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra insulin trong cơ thể. Caffein cũng kiểm soát cách các tế bào phản ứng với nó. Uống quá nhiều caffein có thể khiến bạn tỉnh táo. Thiếu ngủ cũng có thể làm giảm độ nhạy insulin.
Khoảng 200 mg caffein (khoảng 1-2 tách cà phê đã pha hoặc 3-4 tách trà đen) có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Tuy nhiên, cơ thể mỗi người có thể phản ứng khác nhau với caffein tùy thuộc vào tuổi tác, cân nặng.
Những người mắc bệnh tiểu đường uống cà phê thường xuyên không có lượng đường trong máu cao hơn những người không uống. Một số chuyên gia cho rằng cơ thể sẽ quen với lượng caffein theo thời gian. Nhưng nghiên cứu khác cho thấy caffein vẫn có thể gây tăng đột biến đường huyết, ngay cả khi một người thường bắt đầu ngày mới với một tách cà phê.
Để biết caffein có làm tăng lượng đường trong máu hay không, người bệnh tiểu đường nên đi khám. Có thể kiểm tra đường huyết suốt buổi sáng sau khi uống một tách cà phê hoặc trà như thường lệ. Sau đó, kiểm tra khi bỏ uống vài ngày. So sánh những kết quả này thì sẽ biết được caffein có tác động đến lượng đường trong máu hay không.
Các nghiên cứu cho thấy rằng cà phê có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2. Các chuyên gia cho rằng đó là do thức uống này có nhiều chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, với một người đã mắc bệnh tiểu đường type 2, điều này có thể không đúng. Uống cà phê chứa caffein khiến bệnh nhân khó kiểm soát lượng đường trong máu hơn.
Kim Uyên (Theo Web MD)