Hồi giữa tháng 3, một máy bay không người lái (UAV) Ukraine lao xuống nhà máy lọc dầu Ryazan của Rosneft, nằm cách biên giới với Ukraine 500 km. Đến ngày 2/4, khoảng cách tập kích tăng lên gấp đôi, khi nhà máy sản xuất UAV và cơ sở dầu khí Nga ở Cộng hòa Tatarstan, cách biên giới hơn 1.100 km, bị UAV tấn công.
Một nguồn tin thân cận với chương trình UAV của Ukraine cho biết các phương tiện tham gia tập kích có tầm bay xa hơn, năng lực cao hơn, thậm chí sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để dẫn đường, vô hiệu hóa năng lực gây nhiễu của Nga.
“Mỗi UAV có một máy tính chứa dữ liệu vệ tinh và địa hình, chúng tôi cùng đồng minh xác định hướng bay trước khi tấn công”, nguồn tin giải thích. “Cơ chế dẫn đường bằng AI được kích hoạt khi đối phương gây nhiễu để giúp UAV tập kích mục tiêu với độ chính xác đến từng mét”.
UAV được trang bị loạt cảm biến và sử dụng “giác quan máy”, một hình thức của AI, chuyên gia Noah Sylvia thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) giải thích. Bên vận hành sẽ xây dựng một mô hình học máy trên con chip của UAV, dạy nó cách xác định vị trí, địa hình và mục tiêu mà nó hướng tới.
Chris Lincoln-Jones, chuyên gia về AI và tác chiến UAV, nhận định công nghệ tự tìm đường bay của phương tiện này vẫn ở mức thấp. “Mức độ tự bay này chưa từng xuất hiện trên UAV, song chúng ta đang ở giai đoạn đầu của công nghệ tiềm năng đó”, Lincoln-Jones nói.
Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào UAV và drone từ khi chiến sự với Nga bùng phát tháng 2/2022, đồng thời dồn lực phát triển công nghệ để có thể chế tạo trong nước loại phương tiện này.
Ukraine ban đầu dùng UAV và drone để trinh sát hoặc sửa đổi chúng để thả đạn cỡ nhỏ, sau đó xây dựng ngành công nghiệp hoàn chỉnh để phần nào có lợi thế trước Nga với nguồn lực lớn và tốt hơn. Đây là lý do UAV Ukraine có độ chính xác ngày càng cao, thể hiện rõ trong các vụ tập kích cơ sở dầu khí Nga.
Một số chuyên gia cho biết thay vì tấn công các kho nhiên liệu, Ukraine nhắm mục tiêu vào tháp chưng cất, nơi xử lý dầu thô và biến chúng thành nhiên liệu hoặc các dẫn xuất khác. Đây là những khu vực phức tạp hơn và khó thay thế hơn với Nga.
“Chúng tôi nhận thấy một số mục tiêu trong đó là các tổ hợp cần nhiều công nghệ phương Tây mà Nga đang gặp nhiều khó khăn trong mua chúng”, Sylvia nhận định.
Chiến thuật này giúp Ukraine gây thiệt hại nhiều hơn cho Nga thay vì tấn công ngẫu nhiên. Các chuyên gia cho rằng những cuộc tập kích như vậy có thể gây tác động lớn cho kinh tế Nga hơn những lệnh trừng phạt hiện có của phương Tây.
“Phần lớn các lệnh trừng phạt được phương Tây áp dụng với Nga từ trước tới nay đều bỏ qua lĩnh vực năng lượng”, Helima Croft, giám đốc điều hành và lãnh đạo bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu của ngân hàng đầu tư RBC, nhận định. “Xuất khẩu năng lượng, dầu thô, khí đốt và sản phẩm tinh chế giúp Nga duy trì kinh tế để tiếp tục chiến sự”.
Ukraine tuyên bố Nga đã mất 12% tổng công suất lọc dầu. Giới chức Nga thừa nhận công suất lọc dầu của họ suy giảm và ra lệnh cấm xuất khẩu xăng để tránh tăng giá nhiên liệu trong nước.
“Những tuần qua cho thấy nền kinh tế thời chiến của Nga có những lỗ hổng mà chúng tôi có thể tấn công bằng vũ khí của mình”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố. “UAV là năng lực tấn công tầm xa của chúng tôi. Ukraine giờ sẽ luôn có lực lượng tấn công đường không”.
Loạt trận tập kích nhằm vào nhà máy lọc dầu Nga của Ukraine khiến giá dầu toàn cầu tăng cao, trong đó giá dầu thô Brent tăng gần 13% trong năm nay. Điều này khiến các chính trị gia Mỹ lo ngại về tác động kinh tế tiềm tàng từ những vụ tập kích nói trên trong năm bầu cử quan trọng.
Dù không đề cập đến giá năng lượng, các quan chức Mỹ cho biết họ đang tích cực thuyết phục Ukraine không tấn công nhà máy lọc dầu Nga. “Chúng tôi từ lâu nói không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho những vụ tập kích bên trong lãnh thổ Nga”, một quan chức Mỹ khẳng định.
Croft nói các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga từ khi chiến sự bùng phát đều được thiết kế để duy trì nguồn cung năng lượng từ nước này trên thị trường.
“Đó là thỏa thuận giữa Mỹ với Ukraine: Chúng tôi sẽ bơm tiền và vũ khí cho các vị, nhưng hãy chừa cơ sở xuất khẩu và năng lượng của Nga ra, vì chúng tôi không muốn để xảy ra khủng hoảng năng lượng lớn”, Croft giải thích.
Tuy nhiên, gói viện trợ quân sự trị giá hơn 60 tỷ USD mắc kẹt tại quốc hội Mỹ đã khiến dòng chảy vũ khí đến Ukraine gần như đình trệ suốt nhiều tháng qua. “Nếu không nhận được vũ khí và tiền như đã cam kết, động cơ để Ukraine tuân thủ thỏa thuận là gì?”, Croft nói.
Các chuyên gia cho rằng mối lo ngại lớn hơn là Ukraine không dừng lại ở các nhà máy lọc dầu. Theo RBC, một số cảng xuất khẩu dầu lớn nhất ở Nga, vốn hỗ trợ xuất khẩu 2/3 lượng dầu thô và sản phẩm từ dầu mỏ của nước này, đều nằm trong tầm tấn công của UAV Ukraine.
“Nếu một cơ sở xuất khẩu lớn bị tấn công, tác động đến thị trường sẽ rất đáng kể”, Croft cảnh báo. “Nhiều cơ sở trong số này nằm cạnh những nhà máy lọc dầu Nga và dường như đây sẽ là mục tiêu tiếp theo”.
Các quan chức Ukraine thừa nhận mối lo ngại của Mỹ, song tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tập kích. Vasyl Maliuk, lãnh đạo Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), tuyên bố họ sẽ không ngừng tấn công để “cắt nguồn dưỡng khí” từ dầu mỏ của Nga.
Nguyễn Tiến (Theo CNN, AFP, Reuters)