Cứ đến lễ Tết là tôi hay bị nhiệt miệng, ăn uống mất ngon, làm cách nào để phòng ngừa? (Ngọc Đức, Sóc Trăng)
Trả lời:
Nhiệt miệng là những vết loét nhỏ đơn lẻ hoặc thành từng cụm ở nướu, môi, lưỡi, má trong hoặc vòm miệng. Hầu hết trường hợp nhiệt miệng tự khỏi trong 1-2 tuần. Bệnh gây khó chịu, đau rát mỗi khi ăn uống, nuốt nước bọt, giao tiếp.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nhiệt miệng như vấn đề răng nướu, nhiễm virus, thiếu vitamin B12 hoặc thiếu sắt. Bệnh Crohn, bệnh Celiac, viêm khớp phản ứng, hệ thống miễn dịch suy yếu, căng thẳng, thay đổi nội tiết tố, ăn uống không lành mạnh, cũng gây ra các vết loét nhỏ ở miệng.
Thói quen ăn uống “thả phanh” với nhiều món mặn, cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ngọt trong những ngày Tết cũng là nguyên nhân thường gặp khiến nhiều người bị nhiệt miệng.
Để phòng ngừa nhiệt miệng, bạn nên vệ sinh khoang miệng sạch sẽ bằng cách đánh răng hai lần mỗi ngày, kết hợp dùng chỉ nha khoa để đảm bảo răng miệng luôn được sạch sẽ.
Trong những ngày Tết, bạn cần hạn chế món cay nóng, dầu mỡ, đạm gia vị. Các món ăn này dễ dẫn đến nhiệt miệng và khiến các vết loét có sẵn nặng hơn, lan rộng khắp khoang miệng.
Bạn có thể bổ sung những món thanh đạm, được chế biến mềm, chứa nhiều chất xơ và vitamin, uống nhiều nước, giúp phòng ngừa nhiệt miệng cũng như cải thiện các vết loét hiệu quả hơn. Bổ sung thêm các loại trái cây như ổi, đu đủ, cà chua, cam, kiwi, dâu tây, lê, táo vừa làm đẹp da vừa mát cho cơ thể.
Những ngày này, bạn hạn chế rượu bia, caffeine vì dễ kích ứng da, niêm mạc, làm chậm quá trình phục hồi tổn thương do nhiệt miệng gây ra. Uống đủ nước (trên hai lít nước mỗi ngày) để thanh lọc cơ thể, thải bỏ các độc tố thừa, ngăn ngừa nhiệt miệng. Ngoài nước lọc, bạn có thể bổ sung thêm các loại nước có tính mát như nước ép rau má, nước chanh, cam, ép bưởi, nước dừa.
ThS.BS.CKI Nguyễn Thị Thục Như
Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |