Chú ý các dữ liệu đặc biệt và lập luận thuyết phục, theo anh Luyện Quang Kiên là bí quyết cho bài thi IELTS Writing điểm 9.0.
Anh Kiên, giáo viên tiếng Anh, 31 tuổi, ở Hà Nội, là người đầu tiên đạt 9.0 ở cả bốn kỹ năng IELTS gồm Listening (Nghe), Speaking (Nói), Reading (Đọc) và Writing (Viết) sau bài thi trên máy hôm 3/6.
Theo anh Kiên, Viết là kỹ năng khó giành điểm tối đa nhất. Dù đã 5 lần đạt 9.0 overall (điểm trung bình cộng 4 kỹ năng, làm tròn 0,25 điểm), anh Kiên mới có hai lần đạt 9.0 bài thi Viết.
Bài thi này gồm hai phần: Task 1 và Task 2, mỗi phần tối đa 9 điểm. Bốn tiêu chí chấm bài thi này là hoàn thành nhiệm vụ, từ vựng, ngữ pháp và độ mạch lạc, trong đó tiêu chí đầu tiên quan trọng nhất.
Sau đây là chia sẻ của anh Kiên về cách làm Task 1 và Task 2 bài thi IELTS Writing:
Chú ý chi tiết đặc biệt trong Task 1
Anh Kiên cho rằng thí sinh khó giành điểm tuyệt đối ở kỹ năng Viết là do bị điểm thấp ở Task 1. Phần này đưa ra biểu đồ ở nhiều dạng khác nhau, yêu cầu thí sinh phân tích, so sánh đối chiếu và xử lý số liệu trong một giai đoạn cụ thể.
“Nếu dựa vào công thức, thí sinh chỉ được 6-7 điểm cho tiêu chí hoàn thành nhiệm vụ. Để đạt điểm cao, cần biết cách so sánh ở những điểm quan trọng và dùng từ vựng linh hoạt”, anh Kiên cho hay.
Anh lấy ví dụ đề bài Task 1 trong hôm thi 3/6 là biểu đồ dây, so sánh tỷ lệ thất nghiệp của Vương quốc Anh với phần còn lại của châu Âu và Nhật Bản. Anh Kiên tìm ra những thông tin đặc biệt trong biểu đồ như cao nhất, thấp nhất, đạt đỉnh, giảm xuống đáy, những chỗ không đổi hay vượt qua nhau.
“Những cái như cao nhất, thấp nhất, thay đổi mạnh nhất rất quan trọng. Thí sinh chỉ nên so sánh những chỗ có sự thay đổi đặc biệt”, anh nói.
Anh Kiên lưu ý ở Task 1, ngoài mở bài và kết bài, thí sinh cần nêu lý do cho mỗi đoạn trong thân bài. Anh chia thân bài thành ba đoạn, lần lượt về Vương quốc Anh, châu Âu và Nhật Bản do nhìn thấy rõ xu hướng. Hai năm đầu, tỷ lệ thất nghiệp ở Vương Quốc Anh cao nhất và sau đó giảm mạnh, nhường đỉnh cho phần còn lại của châu Âu. Ngoài ra, anh cũng nhắc tới những chỉ số mà ở Nhật Bản luôn thấp nhất.
Lập luận thuyết phục trong Task 2
Khác với Task 1, Task 2 là dạng bài nghị luận xã hội, yêu cầu thí sinh đưa ra lý lẽ để chứng minh, bàn luận thuyết phục. Anh Kiên từng gặp đề bài hỏi liệu lợi ích có nhiều hơn bất lợi khi cho trẻ homeschool (học ở nhà) không.
“Tôi nêu ra ba lợi ích nhưng phản biện lại hết để nói việc này có bất lợi nhiều hơn”, anh Kiên kể.
Nhiều người cho rằng việc trẻ học ở nhà sẽ giúp tránh được một vài vấn đề ở trường như bị bắt nạt, bị ảnh hưởng bởi bạn bè xấu hay yêu đương sớm. Bố mẹ cũng có thể xây dựng chương trình phù hợp với sở thích và tốc độ học của con. Ngoài ra, gia đình còn tiết kiệm được chi phí đến trường.
Tuy nhiên theo anh Kiên, trẻ có thể tránh được những vấn đề ở trường nhưng không có cơ hội phát triển kỹ năng xã hội. Nếu không tiếp xúc với trường lớp, sau này trẻ sẽ khó giải quyết tốt các vấn đề trong cuộc sống. Hơn nữa, không phải bố mẹ nào cũng có thể xây dựng được chương trình học cho con. Các phụ huynh không giỏi hết các lĩnh vực để kèm con, do đó họ phải thuê thêm gia sư hoặc cho con theo các khóa trên mạng.
“Ở trường có sẵn đồ dùng, sách vở học tập nhưng ở nhà, phụ huynh phải mất tiền mua cho con học”, anh Kiên phản biện.
Ở phần kết luận, anh chốt lại homeschool chỉ phù hợp với những bố mẹ rất giỏi, hiểu biết về các lĩnh vực con học, được đào tạo về sư phạm và có kinh tế mới phù hợp.
“Tôi đồng ý là có một số ít những người dạy con tốt hơn nhưng đa phần nên đến trường”, anh cho hay.
Với dạng bài phản biện, ý phản biện không nhất thiết nhiều hơn nhưng phải luôn mạnh hơn các ý kiến bênh vực. Trong trường hợp lý do kia mạnh hơn, thí sinh phải thừa nhận đúng nhưng sẽ lập luận rằng điều đó chỉ đúng trong giới hạn nhất định. Ví dụ, với bài thi của anh Kiên, bố mẹ tự xây dựng chương trình phù hợp với con song việc đó chỉ phù hợp với những người có chuyên môn.
Nhìn chung, với bài thi Viết, anh Kiên nhận định sai lầm của phần lớn thí sinh là luôn nghĩ phải dùng những từ ngữ khó, cấu trúc ngữ pháp phức tạp. IELTS là bài thi kiểm tra khả năng sử dụng ngôn ngữ, do đó nếu sử dụng ngôn ngữ chính xác và tinh tế, thí sinh sẽ được đánh giá cao. Bài thi của anh Kiên luôn dùng từ ngữ thông dụng và đa dạng.
“Thay vì tập trung vào lập luận sắc bén trước rồi mới quan tâm đến từ vựng có đủ linh hoạt không, thí sinh thường làm ngược là chọn từ vựng trước, ý tưởng sau”, anh Kiên cho hay.
Do có sẵn ý tưởng trong đầu, anh hoàn thành hai bài viết trong thời gian ngắn, còn thừa khoảng 20 phút để xem lại bài vài lần trước khi hết giờ.
“Muốn viết nhanh, thí sinh cần đọc và xem nhiều để tích lũy kiến thức, khi gặp bất cứ đề bài nào cũng có luôn luận điểm trong đầu”, anh nói.
Bình Minh