Tương tự như hộ chiếu, căn cước được xác định là giấy tờ chứng minh nhân thân và quốc tịch Pháp của một cá nhân.
Trên thực tế, mọi người Pháp ở tuổi trưởng thành đều có căn cước và nhiều trẻ em cũng được làm căn cước khi còn nhỏ để tiện cho việc đi lại nội khối EU. (Nguồn: AFP) |
Pháp đã trải qua nhiều lần thay đổi luật và nghị định về căn cước. Bắt đầu là luật ngày 27/10/1940 quy định về thẻ căn cước, sau đó được sửa đổi bằng luật ngày 28/3/1942. Hai nghị định liên quan là Nghị định ngày 12/4/1942 về thẻ căn cước và Nghị định số 55-1397 ngày 22/10/1955 về đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nghị định số 55 được sửa đổi bằng các Nghị định số 2010-506 ngày 18/5/2010, số 2016-1460 ngày 28/10/2016, số 2017-1522 ngày 2/11/2017 và mới nhất là số 2021-279 ngày 13/3/2021 (chuẩn hóa theo quy định ngày 20/6/2019 của Liên minh châu Âu – EU).
Căn cước mới của Pháp theo tiêu chuẩn của EU là thẻ điện tử, có kích thước bằng thẻ ngân hàng, có thời hạn 10 năm, giảm so với 15 năm như trước đây. Thẻ gồm các thông tin: Họ, tên, nơi sinh, giới tính, chiều cao, quốc tịch, nơi ở hoặc nơi cư trú, ngày cấp và ngày hết hiệu lực, số căn cước, mã dành cho máy quét tự động, số hỗ trợ (để liên hệ trong trường hợp bị mất hay hỏng), ảnh và chữ ký của người được cấp. Điểm đặc biệt của căn cước mới là có gắn chíp chứa các yếu tố sinh trắc học, hình ảnh số hóa của công dân và hai dấu vân tay.
Phần dành cho máy quét tự động gồm các thông tin: họ, tên, ngày tháng năm sinh, giới tính và quốc tịch của người được cấp, quốc gia cấp, số căn cước và thời hạn. Ngoài chíp còn có mã điện tử định dạng 2D-Doc chứa các thông tin: họ, tên thường dùng hoặc tên thứ nhất (người Pháp có nhiều tên và sắp xếp theo thứ tự), giới tính, quốc tịch, nơi sinh, ngày sinh, số căn cước và ngày cấp.
Căn cước được cấp cho người có đề nghị mà không cần quy định về tuổi tác và được tỉnh trưởng hoặc phó tỉnh trưởng cấp mới hoặc cấp đổi. Riêng ở thủ đô Paris, căn cước do cảnh sát trưởng cấp. Người đề nghị cấp căn cước phải chứng minh nơi ở hoặc nơi cư trú bằng giấy xác nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy xác nhận nộp thuế, biên lai thuê nhà, biên lai điện, gaz, điện thoại, chứng nhận bảo hiểm nhà…
Hồ sơ nộp tại tòa thị chính và được chuyển cho tỉnh trưởng nếu người đề nghị cư trú ở thủ phủ của tỉnh, nếu không thì sẽ chuyển cho phó tỉnh trưởng. Sau khi giải quyết xong, căn cước sẽ chuyển lại cho tòa thị chính để gửi trả cho người được cấp. Riêng tại Paris, hồ sơ sẽ nộp tại sở cảnh sát và nhận kết quả tại đây. Tuy nhiên, người dân có quyền tự lựa chọn bất kỳ tòa thị chính nào để nộp hồ sơ mà không nhất thiết phải đến tòa thị chính nơi ở hoặc nơi cư trú, miễn là tòa thị chính đó được trang bị hệ thống lưu thông tin.
Ở nước ngoài, công dân có thể đến đại sứ quán hoặc tổng lãnh sự quán Pháp để nộp hồ sơ và lấy kết quả. Việc có mặt trực tiếp là điều bắt buộc để lấy vân tay. Trẻ em và người lớn cần giám hộ cũng phải có mặt trực tiếp cùng với người giám hộ hoặc người đại diện.
Đối với việc cấp căn cước lần đầu, hồ sơ gồm có hộ chiếu, 1 ảnh thẻ mới chụp trong vòng 6 tháng, chứng minh nơi ở. Trường hợp hộ chiếu quá hạn hơn 5 năm cần có thêm giấy khai sinh, nếu sinh ra ở nước ngoài và có cha hoặc mẹ cũng sinh ra ở nước ngoài, cần chứng minh quốc tịch Pháp. Nếu chưa có hộ chiếu, thủ tục giống như hộ chiếu quá hạn hơn 5 năm.
Đối với việc đổi lại căn cước, hồ sơ gồm căn cước cũ, 1 ảnh thẻ mới chụp trong vòng 6 tháng, chứng minh nơi ở. Nếu căn cước hết hạn quá 5 năm, cần kèm theo hộ chiếu còn hạn, nếu không, cần có thêm giấy khai sinh mới cấp trong vòng 3 tháng và chứng minh quốc tịch Pháp nếu sinh ra ở nước ngoài và có cha hoặc mẹ cũng sinh ra ở nước ngoài.
Căn cước được cấp mới và cấp đổi miễn phí (từ năm 1998), trừ trường hợp bị mất, mất cắp, không phục hồi được căn cước cũ để chuyển sang căn cước mới, sẽ phải trả phí 25 Euro.
Pháp không có quy định bắt buộc công dân phải có căn cước và không quy định độ tuổi phải làm căn cước, nhưng khi bị kiểm tra, không xuất trình được căn cước, thì quy trình sẽ rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Ngoài ra, không có giấy tờ tùy thân, cá nhân cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong các trường hợp đăng ký kiểm tra hoặc thi, đăng ký việc làm, bầu cử và ghi danh tranh cử, đăng ký tài khoản ngân hàng…
Do vậy, trên thực tế, mọi người Pháp ở tuổi trưởng thành đều có căn cước và nhiều trẻ em cũng được làm căn cước khi còn nhỏ để tiện cho việc đi lại nội khối EU.
Với căn cước Pháp, người Pháp có thể đi lại không cần hộ chiếu trong gần như tất cả các nước thuộc phạm vi châu Âu, trừ Biélorussie, Vương quốc Anh, Nga và Ukraine.