Thông tư 18/2024/TT-NHNN (Thông tư 18) quy định về hoạt động thẻ ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1/7, nhưng một số quy định sẽ có hiệu lực từ 1/10; trong đó có quy định về thủ tục phát hành thẻ (Điều 9) và quy định về việc phát hành thẻ bằng phương tiện điện tử (Điều 10).
Theo đó, tổ chức phát hành thẻ phải thu thập các tài liệu, thông tin, dữ liệu nhằm nhận biết khách hàng và thông tin sinh trắc học của chủ thẻ đối với khách hàng cá nhân, thông tin sinh trắc học của đại diện hợp pháp đối với khách hàng tổ chức;
Tổ chức phát hành thẻ phải thực hiện đối chiếu, đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin sinh trắc học của chủ thẻ (đối với khách hàng cá nhân) hoặc đại diện hợp pháp (đối với khách hàng tổ chức) với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa của thẻ căn cước công dân hoặc thẻ căn cước; hoặc khớp với dữ liệu sinh trắc học đã được thu thập và kiểm tra.
Tổ chức phát hành thẻ lưu trữ, bảo quản đầy đủ, chi tiết theo thời gian đối với các thông tin, dữ liệu nhận biết khách hàng trong quá trình khách hàng phát hành và sử dụng thẻ, như: thông tin nhận biết khách hàng; các yếu tố sinh trắc học của khách hàng; âm thanh, hình ảnh, bản ghi hình, ghi âm; số điện thoại thực hiện giao dịch; nhật ký giao dịch.
Theo quy định, các thông tin, dữ liệu phải được lưu trữ an toàn, bảo mật, được sao lưu dự phòng, đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của dữ liệu để phục vụ cho công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Thời hạn lưu trữ thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Quy định này nhằm ngăn chặn hành vi sử dụng giấy tờ giả và loại bỏ các tài khoản không chính chủ, giúp làm sạch tài khoản ngân hàng, giảm thiểu rủi ro gian lận và đảm bảo tài khoản ngân hàng chính chủ.
VietNamNet đưa tin, các quy định tương tự cũng được áp dụng với khách hàng đăng ký mở ví điện tử bằng phương tiện điện tử theo quy định tại Thông tư 40 năm 2024 quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Theo đó, tổ chức cung ứng ví điện tử phải thu thập, kiểm tra, xác minh thông tin sinh trắc học của chủ ví điện tử đối với khách hàng cá nhân và của người đại diện hợp pháp đối với khách hàng tổ chức.
Theo báo Thanh Niên, trước đó, từ ngày 1/7, các ngân hàng đã triển khai ứng dụng đăng ký sinh trắc học khuôn mặt trên các ngân hàng số.
Trong tuần đầu tháng 7, số lượng khách hàng đăng ký sinh trắc học lên đến 19 triệu tài khoản. Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến tháng 7, hơn 87% người trưởng thành tại Việt Nam đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh; số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 – 2023 đạt trên 100%/năm. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỉ đồng/ngày (tương đương 40 tỉ USD). Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20 – 25 triệu giao dịch/ngày.
Từ đầu tháng 7, Ngân hàng Nhà nước cũng quy định việc xác thực sinh trắc học lần đầu là bắt buộc nếu khách hàng muốn chuyển tiền trực tuyến từ 10 triệu đồng một lần trở lên hoặc 20 triệu đồng trong ngày, theo Quyết định 2345.
Ngoài ra, cũng theo Thông tư 18, từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản phải xác thực sinh trắc học với ngân hàng mới được giao dịch. Còn từ ngày 1/7/2025, tài khoản sẽ bị ngừng giao dịch khi căn cước công dân hết hạn.
Minh Hoa (t/h)
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tu-1-10-mo-the-ngan-hang-vi-dien-tu-phai-xac-thuc-sinh-trac-hoc-204240903105302174.htm