Trước tình trạng bạo lực học đường leo thang, Đài PBS hồi tháng 5 đưa tin, chính quyền nhiều bang ở Mỹ cân nhắc khôi phục chính sách “không khoan nhượng”, tức đình chỉ học tập và đuổi học. Một số nghiệp đoàn giáo viên ủng hộ biện pháp mạnh. Số khác cho rằng đình chỉ học tập và đuổi học chỉ nên là giải pháp cuối cùng đối với trường hợp vi phạm cực kỳ nghiêm trọng, chẳng hạn hành vi bạo lực đe dọa tính mạng học sinh (HS).
Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổ chức RAND (năm 2021), chỉ 12% trong 1.080 hiệu trưởng trường công lập khắp Mỹ tin rằng đình chỉ và đuổi học giúp HS suy ngẫm hoặc rút kinh nghiệm từ hành vi sai trái.
Dù trường học các nước trên thế giới áp dụng nhiều biện pháp kỷ luật tích cực khác nhau, nhưng có một số điểm chung trong cách thực hiện. Báo Thanh Niên tổng hợp một số biện pháp kỷ luật theo hướng tích cực:
- Hoạt động phục vụ cộng đồng: Nhà trường phối hợp phụ huynh, địa phương cho HS tham gia những hoạt động vì cộng đồng.
- Giao bài tập bổ sung: HS được giao viết bài luận tự đánh giá về bản thân liên quan đến chủ đề như kiểm soát cảm xúc, hành vi. Các em được khuyến khích viết về cảm xúc, suy nghĩ của mình, không phải hình thức áp đặt viết kiểm điểm.
- Tham vấn đồng đẳng: Một số HS được huấn luyện trở thành người tham vấn, hòa giải đồng đẳng nhằm hỗ trợ HS vi phạm nội quy.
- Huấn luyện quản lý cảm xúc: Trường học tổ chức những giờ tư vấn tâm lý riêng (đồng đẳng hoặc giáo viên tư vấn tâm lý) cho HS/nhóm HS vi phạm.
- Giấy cam kết hành vi: HS ký hợp đồng hành vi với thầy cô, trong đó liệt kê những hành vi muốn hướng tới, chẳng hạn, không có lời lẽ xúc phạm, đe dọa bạn bè. HS và giáo viên thống nhất hình thức kỷ luật.
- Kế hoạch thay đổi bản thân: Giáo viên hướng HS lập một bản kế hoạch thay đổi hành vi của bản thân sau những lần vi phạm, trong đó nêu rõ những hoạt động cần thiết để giúp HS phát triển bản thân như đọc thêm sách, tham gia tư vấn đồng đẳng, hỗ trợ từ chuyên viên tư vấn tâm lý…