Cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới giúp Việt Nam tăng hàng chục tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP, EVFTA.
Việt Nam đã ký và thực thi nhiều FTA thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Tháng trước, hiệp định thương mại tự do với Israel – quốc gia đầu tiên tại Tây Á, cũng được ký, đem lại cơ hội giảm tới 92% dòng thuế cho hàng hóa Việt Nam sang nước này.
Tại báo cáo vừa gửi Chính phủ, Bộ Công Thương cho hay các hiệp định thương mại tự do đem lại tác động tích cực tới xuất, nhập khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch thương mại với các nước trong CPTPP tăng hơn 14% so với 2021, đạt 104,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP ghi nhận mức tăng tích cực, như Canada hơn 20%, Brunei 163%.
Với EVFTA, năm ngoái, thương mại giữa Việt Nam và các nước khu vực liên minh châu Âu (EU) đạt hơn 62,2 tỷ USD, tăng trên 9% so với 2021. Các nước EU nhập gần 47 tỷ USD hàng Việt Nam trong năm ngoái, tăng gần 17% so với một năm trước đó.
Riêng với Anh, năm 2022 Việt Nam xuất siêu hơn 5,3 tỷ USD sang nước này sau hơn một năm hiệp định UKVFTA có hiệu lực.
Các FTA thế hệ mới đem lại cho Việt Nam hàng chục tỷ USD mỗi năm từ xuất khẩu, nhưng việc thực thi các hiệp định này vẫn còn nhiều tồn tại, theo Bộ Công Thương. Hiện, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam từ các FTA vẫn thấp, như CPTPP gần 5%, EVFTA gần 26% còn UKVFTA khoảng 24%.
Khu vực FDI vẫn chiếm đa số khi xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, trong khi doanh nghiệp nội địa chủ yếu gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm.
Nhiều doanh nghiệp mới tham gia được một số công đoạn của chuỗi cung ứng, khả năng đáp ứng về chất lượng, an toàn thực phẩm, kỹ thuật hàng xuất khẩu hạn chế, nhất là trong bối cảnh nhiều nước tăng rào cản kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan. Vì thế, số doanh nghiệp Việt xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang các thị trường FTA còn hạn chế. Ngoài ra, sự kết nối giữa các doanh nghiệp còn lỏng lẻo, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như phá giá sản phẩm xảy ra phổ biến.
Để giải quyết tồn tại, tận dụng lợi thế các FTA đem lại, Bộ Công Thương kiến nghị xem xét dành nguồn vốn riêng để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các FTA. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cùng các bộ, ngành làm việc với các ngân hàng thương mại để có nguồn tín dụng phù hợp, lãi suất ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực sản xuất. Song song đó, bản thân doanh nghiệp cũng cần tăng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng xanh, nhằm kịp thời đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao từ các thị trường xuất khẩu.
Bộ Công Thương cùng các địa phương thí điểm xây dựng hệ sinh thái, trước tiên 1-2 lĩnh vực, ngành hàng tại mỗi tỉnh, để tận dụng cơ hội từ các FTA. Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ có chính sách tổng thể, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng nguồn nguyên liệu “nội khối”, đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của từng hiệp định thương mại.