Ngày 9/11, tại Gia Lai đã diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 vùng miền Trung – Tây Nguyên.
Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 vùng miền Trung – Tây Nguyên nhằm tổng kết những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn I (2021 – 2025) và định hướng, đề xuất các nội dung cho giai đoạn II (2026 – 2030) tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Nhiều thành quả đạt được
Giao thông nông thôn thay đổi
Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đến nay đạt trung bình 98.9%, dự kiến đến cuối giai đoạn đạt 100% (mục tiêu 100%). Dự kiến16/16 tỉnh đến 31/12/2025 hoàn thành chỉ tiêu này.
Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa đến, nay đạt trung bình 88%, dự kiến đến cuối giai đoạn đạt 89,9% (vượt so với mức 70% mục tiêu kế hoạch giao). Đến nay 16/16 tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu này.
Uỷ ban Dân tộc
Theo Ủy ban Dân tộc, khu vực miền Trung và Tây Nguyên hiện có 445 xã khu vực I, 66 xã khu vực II, 476 xã khu vực III và 3.243 thôn đặc biệt khó khăn (chiếm 24,53% tổng số thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của cả nước). Dân số khu vực này trên 21 triệu người, trong đó có hơn 3,6 triệu người thuộc 53 dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 17% dân số.
Trong giai đoạn 2021 – 2025, tổng nguồn lực dự kiến để triển khai chương trình là trên 22,5 ngàn tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 20,5 nghìn tỷ đồng.
Theo số liệu, tính đến 30/9/2024, 16 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã giải ngân vượt mức 12,9 nghìn tỷ đồng, đạt 60,6% kế hoạch. Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình đạt 74,3%, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chung của cả nước là 57,7%.
Các chính sách hỗ trợ đã được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế và sản xuất đã được thực hiện, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Qua đánh giá Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, mặc dù chương trình Mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi chỉ mới thực hiện chính thức từ nửa cuối năm 2022 nhưng nhờ sự nỗ lực và tính chủ động của nhiều địa phương trong việc tổ chức triển khai và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác, một số chỉ tiêu trong giai đoạn I ước tính đến 31/12/2024 đã hoàn thành, vượt mục tiêu kế hoạch được giao.
Việc hoàn thành sớm một số chỉ tiêu trong giai đoạn I vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đồng thời giúp địa phương dành nguồn lực cho các mục tiêu khác khó khăn hơn, đòi hỏi mức độ tập trung và thời gian thực hiện dài hơn.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và đề xuất nhiều nội dung quan trọng cho Chương trình ở giai đoạn II (2026 – 2030). Các ý kiến tập trung vào việc cần thiết có các chính sách ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều khó khăn. Tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ, đặc biệt là phát triển hạ tầng cơ sở, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ sản xuất, cải thiện thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững gắn liền với giữ gìn bản sắc văn hoá.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên, cho biết sau ba năm (từ năm 2022 đến nay), bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế trong quá trình thực hiện. Kết quả thực hiện Chương trình ở một số địa phương chưa như kỳ vọng; một số nội dung, tiểu dự án, dự án vẫn còn lúng túng trong việc áp dụng các quy định, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương, dẫn đến triển khai chậm và tỷ lệ giải ngân thấp.
Do đó, tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm bổ sung nguồn lực cho các địa phương, nhất là tăng tỷ lệ vốn đầu tư so với giai đoạn I (2021 -2025), trong đó vốn đầu tư ít nhất 70%, vốn sự nghiệp khoảng 30%.
Trong khi đó, ông Đào Mỹ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng trong giai đoạn II, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng hướng dẫn hoặc có cơ chế ưu tiên cụ thể để huy động và phân bổ nguồn vốn phát triển chính thức (ODA), nhằm tăng thêm nguồn vốn đầu tư cho Chương trình. Đồng thời, cần có chính sách ưu đãi đặc thù để vận động, thu hút các đối tác, nhà đầu tư, doanh nghiệp trọng điểm đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như đào tạo, sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, đề nghị cho phép thời gian giải ngân nguồn vốn của Chương trình theo 3 giai đoạn thực hiện, tạo điều kiện cho địa phương có thời gian triển khai hiệu quả các chương trình, dự án.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình đề nghị, các địa phương tiếp tục khai thác tiềm năng địa phương, đổi mới sáng tạo và đảm bảo an sinh xã hội. Mục tiêu chính là giảm nghèo nhanh, thu hẹp khoảng cách về mức sống và thu nhập so với bình quân cả nước, giảm số xã, thôn đặc biệt khó khăn.
“Sự đồng lòng của các cấp chính quyền và cộng đồng là chìa khóa quyết định để chương trình này thực sự mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia đề ra các chỉ tiêu cụ thể cho giai đoạn 2026-2030, nhằm nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Mục tiêu bao gồm: thu nhập bình quân đạt 1/2 bình quân cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn; 70% xã đạt chuẩn nông thôn mới; xóa bỏ nhà ở tạm và duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 85%… Những mục tiêu này thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền Trung và Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy vào sự phát triển toàn diện đất nước.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/cac-du-an-phat-trien-ha-tang-giao-thong-giup-nguoi-dan-mien-nui-cai-thien-cuoc-song-192241109172103878.htm