Quán là tuổi thơ, tuổi trẻ và cả tuổi già bây giờ
TP.HCM một buổi chiều bình yên, tôi ghé vào một con hẻm nhỏ trên đường Võ Văn Ngân (TP.Thủ Đức) rợp bóng cây mát rượi, để ăn tô hủ tiếu thịt heo khoái khẩu. Biển hiệu quán cũ kỹ nhuốm màu thời gian với tên gọi “hủ tiếu Mai”. Không gian quán nhỏ, sạch sẽ.
Tôi thơ thẩn đắm chìm trong không gian xưa cũ của quán thì cô Lan (52 tuổi, còn gọi là cô 7) lại hỏi niềm nở: “Ăn gì con? Hủ tiếu dai hay hủ tiếu mềm”. “Dai nhen cô!”, tôi vội nói và thoắt một cái, tô hủ tiếu bốc khói, thơm phức được đặt trước mặt.
Người mang tô hủ tiếu ra là cô Ánh (còn gọi là cô 6) năm nay cũng ngót nghét 55 tuổi. Cô 6 tâm sự rằng quán ăn này có từ thời của ba mẹ cô, hồi trước năm 1975. Khi đó, ông bà bán gần khu vực chợ Thủ Đức với món bún riêu và bún măng là chủ yếu, được nhiều người gọi với cái tên “quán bà Mơ”.
Sau này, gia đình cô dời về đây bán với món hủ tiếu, miến. Quán cũng là nơi ở của nhiều anh chị em trong gia đình.
“Hồi xưa nhà tôi bán bún với thịt gà, vịt không à, sau cái đợt dịch cúm dữ dội đó mới chuyển sang bán thịt heo tới bây giờ. Từ nhỏ, mấy anh chị em tôi đã phụ cha mẹ buôn bán nên quán này là tuổi thơ, tuổi trẻ và cả tuổi già bây giờ”, cô 6 cười.
Chính nhờ quán ăn này mà vợ chồng cụ Mơ nuôi 9 người con khôn lớn, trưởng thành. Cụ ông mất 11 năm về trước, cụ bà mất cách đây 3 năm.
Cha mẹ không còn, 4 chị em trong số các anh chị em trong gia đình kế thừa quán ăn này gồm cô 2, cô 3, cô 6 và cô 7. Những anh chị em khác, người làm thợ chụp ảnh, người làm thợ sửa quần áo… và đều bình yên với công việc của mình; có người đã qua đời.
Tô hủ tiếu giá 30.000 đồng vừa miệng.
“Mai là tên của ai vậy cô?”, tôi thắc mắc. Cô 6 cười mỉm, đáp lại rằng đó là tên của cô 2. Cô vốn cùng các chị em kế thừa và phát triển quán ăn của gia đình nhưng nhiều năm nay vì sức khỏe không tốt, cô cũng dành thời gian chăm cháu nên để lại quán cho 3 người em bán.
Quán “ruột” của khách ăn đêm
Quán hủ tiếu của các cô là địa điểm ăn khuya quen thuộc của nhiều thực khách xa, gần, nhất là người dân Thủ Đức khi quán mở bán từ 11 giờ trưa đến 3 giờ sáng hôm sau. Hồi trước, quán bắt đầu bán từ 6 giờ sáng, nhưng từ ngày cụ bà mất, các chị em cô 6 cũng đã lớn tuổi nên mới dời sang bán trễ hơn. Quán rất đông khách vào buổi tối và lúc rạng sáng.
“Lúc đó khách người ta đi chơi khuya về muốn ăn lót dạ, là những người làm việc ca đêm, cũng có người đi công tác xa tiện đường thì ghé ăn. Có một điều đặc biệt ở quán là nhiều khách người ta đi nước ngoài hay lấy vợ lấy chồng xa mỗi lần về đây đều ghé ăn để nhớ lại hương vị hồi xưa”, chú 4 ngồi cạnh bên nói thêm.
Mỗi tô hủ tiếu ở đây giá dao động từ 30.000 đồng – 50.000 đồng, khá bình dân. Tùy vào giá tiền mà tô hủ tiếu có thêm thịt heo, giò, mọc. Nước dùng ở đây khá thanh, hậu ngọt và vừa miệng đủ để thực khách hài lòng về chất lượng của một tô hủ tiếu trong tầm giá này.
Cô 6 cũng nói rằng công thức nấu hủ tiếu các cô đều được cha truyền lại và được gìn giữ suốt nhiều năm qua. Vì bán tới khuya nên mọi người chia ca ra để bán, không cảm thấy mệt mỏi vào ngày hôm sau.
Anh Hải (34 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) buổi chiều trong tuần thường ghé đây ăn, cho biết đây là quán “ruột” của anh suốt 5 năm qua, từ hồi chuyển nhà đến gần đây. Trong một lần đi chơi về khuya thấy quán còn sáng đèn, anh cùng người bạn ghé ăn thử và “kết” luôn từ đó.
“Nếu nói là xuất sắc thì không phải, nhưng mọi thứ đều vừa miệng. Không gian quán đầy hoài niệm và ấm cúng, chủ quán thân thiện, nhiệt tình, mọi thứ quá sạch sẽ khiến cho tôi hủ tiếu tôi ăn ngon bội phần. Cá nhân tôi chấm 8/10”, vị khách nhận xét.
Với cô 6, cô 7 hay những anh chị em trong gia đình, quán ăn này là vô giá vì chứa đựng tuổi thơ, tuổi trẻ và tuổi già. Họ tự nhủ dù có thể nào cũng sẽ quyết tâm duy trì quán ăn này đến khi nào không còn sức nữa thì thôi, bởi quán là tâm huyết cả đời của đấng sinh thành…