Sáng dậy sớm lên vườn tưới lại ít luống rau xanh, người khoan khoái hít thở không khí trong lành, mở điện thoại đọc vài bài viết về hương thơm cà phê, trà Việt.
Đọc rồi, đọc lại. Hết đọc rồi nghe. Giọng lanh lảnh bên tai, vọng từ khơi xa hương trà giữa biển trời Tổ quốc, nghe vọng trong dư âm giọng ca Trịnh Công Sơn ở quán cà phê xứ Huế, đến lời nhắc nhở thì thầm cà phê không phải để nhâm nhi. Cà phê như nụ hôn sáng ghé quán quen mà tìm nụ hôn trong hương cà phê ấy…
Nghe mà lòng dạ bần thần, sáng uống sớm rồi, giờ ngồi giữa vườn mà viết luôn bằng điện thoại: Cà phê còn lại một chút gì…. để nhớ để thương.
Ngày con gái về xin cho con đi bán cà phê thuê, bán từ chiều 30 đến mùng 5 Tết. Hết Tết con về học bài lại nghe ba. Nghe mà lòng dạ nhói đau. Nhà ông giáo, bà giáo có con gái cưng mà lo không nỗi sao, để con đi bán cà phê thuê suốt 5 ngày Tết. Con năn nỉ hoài, mẹ bảo: “Thôi để con trải nghiệm thử mình. Trải nghiệm để biết giá trị của đồng tiền, biết lo toan trước khi vào đời…”. Nghe theo vợ, khẽ gật đầu đồng ý.
Sáng mùng một, theo lệ về quê tảo mộ ông bà, lòng không vui thấy như mình có lỗi. Mọi người ai cũng hỏi bé đâu. Nói cháu đi bán cà phê. Con đi bán cà phê, ba mẹ đi chơi xuân, nghẹn ngào không dám nói.
Sáng mùng hai, cả nhà đi uống cà phê. Uống ngay tại quán con gái bán thuê. Con chạy bàn, ba mẹ làm khách.
Tô bún dở dang, con đem ra ngồi ăn cùng ba mẹ. Camera quay, chủ quán gọi trách quở không được ngồi ăn trong bàn khách. Con gái dạ, đây là bàn của ba mẹ con.
Bán, không kịp ăn. Bún dão, lõng bõng, vừa húp, khách kêu, vội chạy bưng bê, lau bàn, hai chân thoăn thoắt.
Cà phê còn lại chút gì…. để nhớ để thương.
(Bài dự thi cuộc thi “Cảm tưởng về cà phê – trà Việt” thuộc chương trình “Tôn vinh cà phê – trà Việt” lần 2, năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức).