AustraliaNhiếp ảnh gia Jessica Blacklow chụp lại cảnh tượng thú vị khi đàn cá heo lướt sóng ngoài khơi bãi biển Manly, Sydney, hôm 10/5.
“Tôi chưa từng thấy nhiều cá heo cùng cưỡi trên một con sóng như vậy. Đó là một ngày may mắn với tôi. Mọi chuyện xảy ra rất nhanh, sau đó chúng biến mất”, Blacklow chia sẻ.
Đây không phải lần đầu tiên cảnh tượng đàn cá heo cưỡi sóng được ghi lại. Tuy nhiên, giới nghiên cứu vẫn chưa rõ chính xác nguyên nhân.
“Chưa có công trình nghiên cứu nổi bật nào được thực hiện nhằm tìm hiểu mục đích cá heo lướt sóng. Theo chúng tôi biết, trong nhiều quần thể, cá heo có thể dành rất nhiều thời gian để giao lưu và vui chơi”, David Lusseau, giáo sư về tính bền vững biển tại Viện Tài nguyên Nước Quốc gia thuộc Đại học Kỹ thuật Đan Mạch, cho biết.
“Chơi có nhiều hình thức, từ tương tác với vật thể như tảo bẹ, đồ vật của con người, đến động vật khác. Ví dụ, trong một quần thể mà tôi từng nghiên cứu, cá heo kéo dây của các lồng đánh bắt cá để nhấn chìm phao, sau đó thả ra ở dưới đáy và bơi đua với phao lên mặt nước. Chúng cũng chơi đùa với tảo bẹ, giữ tảo trên chân chèo hoặc mũi. Những trò chơi tảo bẹ này đôi khi cũng mang tính xã hội. Cá heo chuyền tảo bẹ cho nhau trong khi một số con khác cố gắng bắt lấy”, Lusseau nói thêm.
Dù vui chơi là một phần quan trọng trong hành vi của cá heo, nhưng có thể còn một lý do thực tế hơn cho việc chúng lướt sóng. Theo Lusseau, cá heo rất giỏi tận dụng môi trường để đáp ứng nhu cầu, dù là việc mang tính giải trí hay nghiêm túc.
“Lướt sóng trong một số trường hợp có thể hiểu là cá heo đang tận dụng những cơn sóng để săn mồi, ẩn nấp hoặc trốn. Nếu để săn mồi, cá heo có thể giấu mình nhờ tiếng ồn và áp lực của sóng, từ đó tiếp cận con mồi hiệu quả hơn. Cá heo cũng có thể ẩn nấp trong sóng để truy đuổi hoặc tới gần những con vật khác mà chúng đang chiến đấu hoặc chơi đùa. Ngoài ra, cá heo có thể dựa vào sóng để trốn, che giấu áp suất sóng và âm thanh mà chúng tạo ra khỏi những con cá heo khác hoặc kẻ săn mồi”, ông giải thích.
Thu Thảo (Theo Newsweek)